có ấn tượng rằng ông đang kiếm được rất nhiều tiền và ông có
thể đặt may những bộ quần áo với cái giá hàng nghìn đô-la.
Ngoài ra, chương trình khảo sát của chúng tôi khám phá ra mối
quan hệ rất thú vị sau: Cứ mỗi bảy chủ nhân của những bộ đồ có giá
1.000 đô-la thì chỉ có một người là triệu phú, sáu người còn lại có thu
nhập hàng năm ở vào khoảng từ 50.000 đến 200.000 đô-la. Nhóm
sáu người này là ai? Họ không phải chủ sở hữu mà chỉ là những nhân
viên quản lý doanh nghiệp cấp trung, hoặc đảm đương các ngành
nghề cần giao tiếp thường xuyên như luật sư, nhân viên bán hàng,
nhân viên marketing, bác sĩ,...
Liệu còn cơ hội nào cho chương trình giới thiệu về một triệu phú
điển hình của Mỹ mà chúng tôi đề xuất? Johnny Lucas có thể lôi
kéo lượng khán giả đã bỏ đi quay lại trước màn hình không?
“Johnny Lucas, một chủ doanh nghiệp giàu có luôn rất đúng
giờ. Ông không bao giờ đến muộn trong các buổi họp và hàng
ngày đến văn phòng lúc 6 giờ 30 sáng. Làm sao ông ấy đúng giờ
được? Chắc là phải nhờ chiếc đồng hồ đeo tay rồi. Liệu đó có
phải là một cái đồng hồ đắt tiền không? Đến đây thì hẳn các
bạn cũng có thể đoán được câu trả lời. Và một lần nữa, khán giả lại
phải thất vọng. Một nửa số triệu phú tham gia cuộc khảo sát của
chúng tôi chưa bỏ ra quá 235 đô-la cho đồng hồ đeo tay. Khoảng
1/10 chưa bao giờ trả quá 47 đô-la, 1/4 đã từng chi 100 đô-la hoặc ít
hơn.
Song, bù lại thị hiếu quá bình dân trong việc chọn quần áo và
phụ kiện, ông Lucas có một gia tài đáng nể như sau: quyền sở hữu
hoàn toàn một ngôi nhà khang trang mà không cần bất kỳ khoản
vay thế chấp hay trả góp nào. Và tiền ăn học đại học cho cả bốn
đứa con ông đã sẵn sàng ngay từ khi chúng còn chưa bước vào đại
học”.