Tôi làm công việc này từ hồi còn chiến tranh. Nhưng ngày đó không ai chịu
học. Bây giờ thì trẻ con người lớn đều muốn học. Nhưng để thay đổi cuộc
sống của người vạn chài thì không phải ngày một ngày hai mà được.
Nhưng bây giờ chính quyền, mặt trận... đã vào cuộc. Tôi tin chả mấy chốc
nữa, các vạn chài đều có cuộc sống tốt như vạn Thọ Xuân". - Nghĩa nói.
Nhưng tôi quan tâm đến câu chuyện đời của anh. Tôi hỏi: "Anh có tìm
được ông Đăm không?" Nghĩa trầm ngâm, một lúc mới nói: "Có, tôi tìm
được cha tôi. Nhưng tôi chậm chân. Năm 1968, cha tôi giấu một người
trong thuyền. Bị lính cộng hòa lục soát. Cha tôi cứu được người kia, nhưng
ông thì bị lính bắn chết". Rồi anh cười: "Đó, cái ông chủ tịch mặt trận dắt
anh đi viết bài đó, là cái người cha tôi đã cứu. Sau giải phóng, chuyện tôi
tìm cha đã loang khắp vùng đầm, đám trẻ tôi dạy học đem câu chuyện của
tôi kể cho khắp lượt, rồi chúng thay tôi dò hỏi tin tức cha tôi. Ban đầu có
người cũ ở vạn Thọ Xuân tìm tôi, họ cho tôi biết phần đầu của câu chuyện,
rồi thì chính ông chủ tịch mặt trận đi tìm tôi, và tôi biết đoạn kết".
Tôi ngồi bật dậy: "Trời ạ, quanh cái vùng đầm này, thêm từng ngày tôi
biết về nó là từng ngày tôi nghe thêm một câu chuyện y như cổ tích. Những
chuyện Nghĩa kể, nó đã thuộc về quá khứ, nhưng chuyện anh đang làm đây,
là cổ tích của thời hiện tại, nó đẹp và đáng trọng biết bao. Tôi sẽ viết về
anh". - Tôi nói.
Nghĩa thấy tôi sửng sốt, anh còn cười. Anh bảo: "Thôi, mai tôi đưa
anh về nhà gặp mẹ tôi. Bà mới là nhân vật sống của những câu chuyện cổ
tích. Mọi chuyện tôi làm đây đều là do ý bà. Vạn Thọ Xuân lên bờ được hết
cũng nhờ bà vận động. Anh về tháng ba, sẽ thấy những lễ cúng đầm bây
giờ không phải do trùm vạn đứng ra tế nữa, người tế là bà mẹ tôi đấy... Bây
giờ no đủ quanh năm, không phải chờ mỗi năm một mùa cá như trước đây
nữa... Anh nhìn xem, lúc này cũng đang mùa cá đấy!".
Tôi chui ra khỏi nóp. Ở bên ngoài đã hửng ánh sáng của một ngày
mới. Phía xa cửa Tư Hiền, thuyền đang về bến. Trong một vụng đầm,