lý do Đức vắng mặt trong những ngày Minh Việt mới ở Miền Nam ra. Sau
này Minh Việt có cùng với Đạo lên Vĩnh Phúc thăm Đức vài lần. Lần nào
Đức cũng khóc. Đức bảo: “Em sợ lắm rồi anh Việt ạ. Nhưng cái ấy nó như
ma ám, không sao bỏ được, nhiều lúc em muốn chết cho bố mẹ đỡ khổ
nhưng lại không đủ can đảm mà chết”. Lần này về đưa ma cháu Ly, Đức
cũng khóc. Minh Việt bảo: “Thôi, phận cháu có thế, chú khóc làm gì, chỉ
đau lòng thêm”. Đức cố ghìm lại không khóc nữa nhưng mắt vẫn đỏ hoe:
- Em chưa một lần gặp mặt nó, nghe bà và chú Đạo khen con bé thông
minh, giỏi giang lắm, em lại càng thương. Mà sao đời anh khổ thế hả anh
Việt?
Sao đời anh lại khổ thế? Ừ, điều này thì anh cũng đã tự hỏi và không
thể trả lời được. Sau ngày con Ly mất được một tháng, Minh Việt bảo
Phượng:
- Thôi, em về bên ấy đi. Cái chết của con nhỏ không do lỗi của ai cả.
Em đừng giày vò mình làm gì. Em còn cuộc sống của em ở bên kia. Còn
anh, anh tự lo được.
Phượng ra đi mang theo cuốn băng ghi âm ghi lại những lời cuối cùng
của con Ly và đôi thứ đồ kỷ niệm con bé để lại. Phượng đi rồi, Minh Việt
thực sự thấy cô đơn. Cậu Chột thỉnh thoảng đến thăm Minh Việt, gieo rắc
vào đầu anh một thứ tín ngưỡng dân gian đã từng bị bóp chết nay đang dần
hồi sinh. Đó là đạo Tứ Phủ. Ngôi đền Tứ Phủ bây giờ đã được chỉnh trang,
tu sửa lại, cậu Chột trở thành cô đồng cả của đất An Lạc, đóng “đại bản
doanh” tại ngôi đền đó. Minh Việt đã quay trở lại Xóm Đáy ngay sau khi về
sống ở An Lạc. Anh không thể tưởng tượng nổi khu xóm tồi tàn năm xưa
lại có thể đổi thay nhanh đến thế. Phố Tứ Phủ vẫn là khu phố chính của thị
trấn An Lạc nhưng đám dân giàu có nhất thị trấn Nét Mặt Buồn bây giờ lại
là Xóm Đáy. Chẳng phải dân Xóm Đáy giỏi giang hay có nghề chính, nghề
phụ gì, sự giàu có ấy là do chín mươi phần trăm số hộ ở đây có người nhà
định cư ở nước ngoài gửi tiền về. Những năm đầu của thập kỷ tám mươi
(1980), chính quyền An Lạc đau đầu vì số người “vượt biên” hàng năm
luôn đứng hàng nhất nhì trong tỉnh. Mà thời ấy vượt biên có nghĩa là phản
bội tổ quốc, là bỏ đất mẹ ra đi làm tay sai cho địch, là tiếp tay cho các thế