tất cả các con sông chảy trong thành Đại La. Thứ đến là nuôi âm binh; cứ
một vạn cái xơ mít, mười giọt tiết lợn, một trăm sợi tóc nhà sư tu hành lâu
năm, Biền cho chung vào một hũ sành chu vi ba thốn; đúng một phần ba
vạn ngày sau sẽ cho một vạn âm binh. Biền làm một trăm hũ như thế. Một
trăm vạn quân! Thừa sức đập bẹt lão thần sông Tô Lịch. Biền còn mơ tới
ngày kéo quân về Trung Nguyên5 đập tan vương triều cà phê để xưng đế.
Việc yểm bùa đã xong. Việc gây âm binh chỉ còn tính thời gian.
Lại nói, vua Đường Ý Tông lúc này mắc căn bệnh lạ, ân ái xong mà
dương vật vẫn như thép nguội, tuy không ảnh hưởng sức khỏe nhưng vua
rất lấy làm khó chịu. Bọn mưu sĩ tâu rằng: “Đây là điềm ngoại cương, cần
đề phòng có biến từ bên ngoài. Chi bằng bệ hạ triệu hồi các Tiết Độ sứ, Đô
Hộ quân ở các phiên bang trở về, thay người khác”. Ý Tông gật gù khen
phải, bèn xuống chiếu triệu hồi các quan đô hộ.
Bấy giờ lũ âm binh của Biền chỉ còn thiếu 99 ngày là thành nhân dạng;
nay bị triệu hồi, không dám kháng chỉ, Biền bèn khui hũ sớm. Hỡi ơi, công
phu tu luyện phút chốc tan tành. Lũ âm binh tuy đã thành hình, nhưng vì
thiếu ngày thiếu tháng nên thiếu canxi, chúng bước ra lẩy bẩy rồi chết rấp
ngay dưới ánh mặt trời. Từ đó, trong dân gian truyền tụng câu: “Lẩy bẩy
như Cao Biền dậy non”. Biền vò tóc bứt tai đấm ngực thùm thụp rồi ngửa
mặt lên trời khóc rống lên: “Trời hại ta. Đã sinh Biền sao còn sinh Lịch”.
Khóc chán, Biền bèn thu xếp hành lý hồi cố quốc. Trước khi ra đi, Biền còn
cay cú sai bộ hạ chôn nốt số bùa xuống thượng nguồn các con sông trên đất
Lĩnh Nam, rồi cúi mặt xuống mông mà trù rằng: “Các con sông Lĩnh Nam
chảy trong khu thị tứ sẽ tự thu hẹp lại. Rồi tự bốc mùi hôi thối, cạn dần mà
biến. Cũng muôn đời xứ này không nảy nhân tài, ngàn đời dân tộc này phải
sống trong chế độ phong kiến toàn trị!”.
Biền hồi kinh, vua Ý Tông cho làm chân thủ thư trong thư viện thành
Trang Tử Nam Hoa Kinh. Sau tự nhiên mắc bệnh rụng hết râu tóc lông rồi
chết. Thọ 97 tuổi.
Từ đó, quả nhiên các con sông chảy trong khu thị tứ thuộc đất Lĩnh Nam
như Tô Lịch, Thiên Phù, Kim Ngưu, Nhiêu Lộc... cứ thu hẹp dần. Tới cuối
thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, chúng chỉ còn là những con mương nhỏ, bốc mùi
hôi thối không sao chịu nổi.