Hoa Ngõ Hạnh
Chuyện về ác thú thì lớn lên đọc sách mới biết. Nhưng chuyện về ác
nhân thì con người thường được nghe kể từ thuở lên ba. Vậy mà đọc truyện
này vẫn thấy như mới nghe lần đầu. Thì vẫn là ác nhân, ác thú đấy thôi.
Nhưng ở đây là cái lẽ sòng phẳng đến khủng khiếp của cuộc đời.
S
au này mỗi lần gặp bất trắc trong đời, tôi luôn nghĩ tới ba tôi.
- Con ạ! Làm thằng đàn ông bản lĩnh không, chưa đủ. Phải biết người
biết ta... Lòng người khó đo.
Làng tôi ở một vùng núi hẻo lánh, khỉ ho, cò gáy. Ba tôi trước đây làm
nghề thợ rừng. Mười tám tuổi ba đã là thợ gỗ nổi tiếng với những đường
đẽo sẵc sảo, với sức mạnh và lòng dũng cảm "Ăn của rừng rưng rưng nước
mắt". Thời gian sau có người phất lên nhờ nghề trầm. Ba tôi bỏ nghề gỗ
chuyển sang làm trầm. Gỗ hay trầm đều là của rừng cả.
Năm thứ ba ở trường đại học tôi bị kỷ luật vì đi thi giùm đứa bạn. Trở về
nằm nhà, sống hoang hoải. Hậu quả của sự càn rỡ vay mượn, bồng bột ngây
thơ đã làm tôi buồn đến khánh kiệt. Một bữa ba tôi có ý định cho tôi đi theo
lên rừng tìm trầm. "Cho con biết thế nào là lao động đích thực, thế nào là
cực nhục" - ba tôi bảo vậy. Đi đợt này có ba người: Ba tôi, tôi, anh Đang -
con bác Hai tôi. Đi bộ năm sáu ngày đường mới đến nơi có trầm. Đường đi
khó khăn lắm, phải cắt rừng, vượt thác, trèo lên những con dốc đứng đến
nỗi mũi chạm đất. Trưa ngày thứ sáu chúng tôi đến ngọn núi có tên là
Sương Mãi. ở đây đêm ngày sương mù vây phủ, khái niệm về thời gian mất
đi.
Tôi hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra giữa khu rừng heo hút, âm u này
một nấm mộ, cỏ đã lên xanh. Trả lời sự thắc mắc của tôi, ba tôi kể:
Câu chuyện thứ nhất:
Hai anh em Phú, Quý quê ở Phú Khánh ra vùng này tìm trầm. Cùng đi
trong bầu (1) có hai người nữa tên là Thân và Lương. Trước khi đi họ làm lễ
ăn thề, sống chết có nhau, gặp phúc cùng hưởng, gặp nạn cùng chia.
Hơn nửa tháng dạo quanh ngọn Sương Mãi vẫn không tìm được chút
trầm nào. Họ bắt đầu nản chí. Lương thực gần cạn. Sang ngày thứ mười