Bởi thế – viện cớ một bài học trước đây bị chuyển giờ lại rơi vào dịp
này một cách hết sức bất tiện thành thử đã nhiều lần cản trở tôi và sẽ còn cản
trở tôi gặp ông chú – một hôm, không phải ngày dành cho những buổi đến
thăm ông, lợi dụng việc cha mẹ tôi dùng bữa trưa sớm sủa, tôi ra phố và thay
vì đi xem cây cột dán quảng cáo, tôi vẫn được phép tới đó một mình, tôi
chạy đến tận nhà ông. Tôi nhìn thấy ở trước cửa một cỗ xe đóng hai con
ngựa mang trên lá che mắt một bông cẩm chướng đỏ giống như bông hoa
người xà ích cài ở khuyết áo. Từ cầu thang tôi nghe thấy tiếng cười và giọng
nói phụ nữ, và tôi vừa bấm chuông thì thinh lặng, rồi tiếng những cánh cửa
được đóng lại. Bác hầu phòng ra mở cửa, có vẻ lúng túng khi nhìn thấy tôi,
bảo tôi rằng ông chú tôi rất bận, chắc không thể tiếp tôi được và trong lúc
bác dù sao cũng vào báo với ông, thì vẫn giọng nói tôi đã nghe thấy bảo
rằng: “Ồ, có chứ! để cậu ấy vào; chỉ một phút thôi, điều đó sẽ làm em thú vị
lắm đấy. Trong bức ảnh trên bàn giấy của anh, cậu ấy rất giống mẹ, cháu gái
anh, ảnh bà để bên cạnh ảnh cậu ấy, có phải không? Em muốn gặp cậu bé
này, chỉ một lát thôi mà.”
Tôi nghe thấy ông chú làu bàu, cáu kỉnh, cuối cùng bác hầu phòng đưa
tôi vào.
Trên bàn, vẫn có đĩa bánh hạnh nhân như thường lệ; ông chú tôi vẫn
mặc tấm áo khoác ngắn mọi ngày, nhưng trước mặt ông, vận áo dài lụa hồng
và đeo một chuỗi ngọc trai lớn trên cổ, một thiếu phụ đang ngồi ăn nốt một
quả quýt. Trạng thái lưỡng lự không rõ mình phải gọi bà hay cô khiến tôi đỏ
mặt và không dám đưa mắt quá nhiều về phía thiếu phụ vì sợ phải nói với
bà, tôi bèn đến ôm hôn ông chú. Bà mỉm cười nhìn tôi, ông chú tôi bảo bà:
“Cháu tôi”, mà không nói tên họ tôi, cũng không nói tên họ bà ta, chắc hẳn
vì, từ khi gặp rắc rối với ông tôi, ông cố gắng hết mức có thể để tránh mọi
gạch nối giữa gia đình mình và kiểu người mình giao du như thế này.
“Cậu ấy giống mẹ quá,” thiếu phụ nói.
“Nhưng cô mới chỉ thấy cháu gái tôi qua ảnh thôi mà,” ông chú tôi nói
ngay bằng giọng gắt gỏng.