mình, và ông đã khước từ.” Đó chính là nỗi đau đớn, cái còn lưu lại sau tất
cả. Theo lời Pietro Citati, “trong Đi tìm thời gian đã mất, ông đã xây dựng
một huyền thoại mênh mông: nỗi đau hủy hoại chúng ta, nhưng cũng nhờ
đau khổ mà chúng ta có thể hái được những ý niệm, khách du hành đến từ
một thế giới khác.” Bằng phương pháp mô tả những thời điểm cuộc đời:
Proust thời mới lớn, đôi mắt to đen kiểu phương Đông lấp lánh dưới vành
mi rộng, nhưng cả Proust khi đã trưởng thành tìm hiểu thế giới kinh doanh,
bị mê hoặc vì những điều ám muội, nhớp nhúa của giới tài chính, Citati đi từ
chuyện kể đến phân tích tác phẩm và tiếp cận tâm hồn nhà văn: “Và chúng
ta cùng sống với ông các bi kịch và sai sót, bệnh tật và hối hận, các công
cuộc kiếm tìm Cái độc nhất, cho đến khám phá cuối cùng về những quy luật
và những tương đồng bí ẩn chi phối thực tại.”
Khác hẳn với cuốn trên mà chính tác giả coi như một mộng mị xung
quanh con người và tác phẩm hơn là một tiểu sử, quyển Marcel Proust của
Jean-Yves Tadié, một chuyên gia Pháp về Proust bộc lộ lao động kỹ lưỡng
và dài hơi của một nhà viết sử. Đối với Tadié, “Lịch sử cuộc đời Proust
trước tiên và chủ yếu là lịch sử cuốn tiểu thuyết mà cuộc đời ấy cuối cùng đã
dâng hiến tất cả.” Tadié đã tập hợp trong cuốn sách của mình mọi sự cố sử
dụng được, và cũng chỉ bằng sự cố, ông uốn nắn lại những cách lý giải nhiều
khi có phần dụng lạm của những tác giả trước ông. Cấu trúc tác phẩm chia
làm hai phần làm nổi rõ cái được gọi là “sự đảo lộn” (cũng là một điều trong
một thời gian khá lâu còn bí ẩn trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của
Proust mà thông thường các nhà nghiên cứu đặt vào khoảng năm 1909).
Tadié nhấn mạnh ở đây, cũng như đối với Kafka, không thể nghĩ rằng Proust
đã có một thời trẻ mềm yếu và lười biếng. Đằng sau vẻ ngoài vẫn là một ý
chí thép và một sự dửng dưng tuyệt đối với tiếng tăm danh vọng. Proust đã
nói một cách chính đáng rằng, ông chưa bao giờ viết vì danh vọng và tiền,
đó chỉ do niềm ham thích của ông.
Ngay đây cũng nên nói thêm rằng, Proust không chỉ là tác giả của các
thính phòng thượng lưu thơm tho phù phiếm thời Hoa lệ đầu thế kỷ, của
“khách sạn Ritz với kiểu chiếu sáng rung rung những ánh hồng, những cốc