em an ủi:
_ Thôi, không bao nhiêu, em bỏ qua đi, để chị nói ba cho số tiền khác.
_ Em không chịu nổi con nhỏ đó ở đây nữa !
Chỉ mỗi mình chị bếp biết rõ Rớt không lấy thôi. Thấy con nhỏ đứng khóc,
một thoáng hối hận đến với chị, nhưng chị không biết nói sao cho trơn tru,
đành lặng lẽ bỏ đi.
Buổi chiều hôm đó, ông Long trả cho Rớt một số tiền mà nó đã làm hơn
một tháng, số tiền không bao nhiêu, nhưng đối với Rớt nó lớn lắm. Vì chưa
bao giờ Rớt cầm được một số bạc gần hai ngàn đồng nầy. Rớt buồn bã nghĩ
rằng nó không thể còn làm đây được nữa. Trong một ngôi nhà đồ sộ như
thế nầy, không bao giờ chịu mướn một đứa ăn cắp như nó.
Rớt bước đi nặng trĩu, trên con đường đá sạn. Những viên sỏi tròn ép vào
lòng bàn chân nó nghe đau đau. Gần đến cổng, Rớt nghe tiếng gọi sau lưng:
_ Rớt ơi ! Rớt ơi!
Rớt dừng lại. Oanh trong nhà chạy ra. Mái tóc Oanh thả dài bay bay theo
gió. Bộ đồ xanh lợt mềm mại hôm nào ngồi cạnh bên Rớt. Khuôn mặt đẹp,
hiền như những nàng công chúa trong chuyện cổ tích. Oanh hiền dịu :
_ Em không làm đây nữa hở ?
_ Ông không bằng lòng những đứa ăn cắp như em làm ở đây.
_ Chị tin em không làm như vậy.
Rớt buồn buồn :
_ Nhưng em cũng không làm ở đây được nữa !
Oanh không hiểu rồi đây Rớt sẽ làm gì để sống với số tuổi nhỏ nhoi của nó.
Như Oanh đã 16 tuổi rồi, bây giờ thử ra đời, va chạm dám chết đói lắm chứ
chẳng chơi, Oanh hỏi Rớt:
_ Rồi em sẽ làm gì ?
Rớt nhìn hàng bông sứ trồng trước nhà, Rớt tin tưởng:
_ Em còn thằng Nô, nó thương em. Nó nói sẽ chỉ em bán vé số chắc dư
sống!
Oanh theo Rớt một khoảng đường. Oanh thấy buồn bã lạ, nhìn Rớt:
_ Nếu như không kiếm được việc gì làm, em cứ đến đây chị sẽ liệu giúp
em, nhớ nhé !