Người lạ lui vào một góc phòng tối mờ mờ. Anh ta đứng, bỏ mũ, khoanh
hai tay trước ngực, kể bằng một giọng khàn khàn:
- Ngày 20 tháng mười hai năm một ngàn tám trăm năm mươi tư, chiếc
tàu buồm chạy bằng hơi nước “Duncan” của một người chủ giàu có ở vùng
Scotland - huân tước Glenarvan - thả neo ở bờ biển phía tây Australia, gần
mũi Bernouilli, trên vĩ tuyến ba mươi bảy. Trên tàu có Glenarvan cùng với
vợ, một thiếu tá quân đội Anh, một nhà địa lý người Pháp và hai đứa con
của thuyền trưởng Grant - một cô gái trẻ và một cậu bé. Con tàu “Britania”
của cha những đứa trẻ ấy trước đó một năm đã bị đắm, đoàn thủy thủ hy
sinh hết. Điều khiển tàu “Duncan” là thuyền trưởng John Mangles; đoàn
thủy thủ gồm có mười lăm người.
Đây là lý do tại sao tàu “Duncan” lại đến bờ biển Australia.
Nửa năm trước đó, đoàn thủy thủ trên tàu “Duncan” đã nhặt được ở bờ
biển Ireland một cái chai đựng một lá thư viết bằng ba thứ tiếng Anh, Đức
và Pháp. Trong thư viết vắn tắt rằng trong một vụ đắm tàu “Britania” có ba
người sống sót là thuyền trưởng Grant và hai thủy thủ. Họ đã lên được
vùng đất nào đó; có chỉ dẫn vĩ tuyến 37
o
11’, nhưng kinh tuyến bao nhiêu thì
không rõ, vì con số đã bị mờ. Họ yêu cầu được cứu giúp.
Bộ tư lệnh hải quân Anh từ chối việc tổ chức một đoàn thám hiểm đi tìm
cứu những người bị nạn. Nhưng huân tước Glenarvan đã tập họp thành
phần hành khách và đoàn thủy thủ nói trên, dùng chiếc tàu “Duncan” của
mình đi cứu họ. “Duncan” rời cảng Glasgow, đi dọc vĩ tuyến 37
o
, sang tận
Patagonia ở Nam Mỹ, nhưng không tìm thấy dấu vết của thuyền trưởng
Grant. Glenarvan quyết định đi Australia. Như trên tôi đã nói, “Duncan”
đến đây, thả neo ở gần mũi Bernoulli nằm trên vùng duyên hải Australia,
rồi đoàn thủy thủ đi tìm kiếm ở trên đất liền. Tại đó, cách bờ biển vài dặm,
có trang trại của một người Ireland di cư nào đấy. Ông ta niềm nở tiếp đoàn