doanh là kinh doanh, giải trí là giải trí. Đầu tiên, con phải lo kiếm sống, sau
đó, nếu còn có thời gian thừa, con có thể giải trí.”
Tôi nhớ mình đã thầm nghĩ, “Hừm, nếu nghe theo cha mẹ mình sẽ có kết
cục như họ. Không. Tôi phải có cả hai!” Cái đó có khó không? Bạn có thể
đoán. Thỉnh thoảng tôi phải đi làm những công việc tôi chán ghét trong một
hay hai tuần để tôi có cái ăn và trả tiền thuê nhà. Nhưng tôi không bao giờ
đánh mất ý chí muốn có “cả hai”. Tôi không bao giờ bị kẹt lâu trong công
việc hoặc kinh doanh tôi không thích. Cuối cùng, tôi đã trở nên giàu có khi
làm những việc tôi yêu thích. Bây giờ khi tôi biết rằng điều đó là có thể
được, tôi tiếp tục chỉ đi theo những công việc, những dự án tôi yêu thích.
Điều tốt nhất từ tất cả những cái đó là bây giờ tôi có cơ hội được dạy người
khác để làm như thế.
Không ở đâu mà cách suy nghĩ “cả hai” lại quan trọng như trong lĩnh vực
tiền bạc. Người nghèo và nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng họ
phải chọn một trong hai – hoặc là tiền bạc, hoặc là những yếu tố khác trong
cuộc sống. Và kết quả là họ củng cố quan điểm cho rằng tiền không quan
trọng bằng những thứ khác.
Chúng ta hãy nói thẳng. Tiền là quan trọng! Nói rằng tiền bạc không quan
trọng như bất ký thứ gì khác trong cuộc sống là lố bịch. Cái gì quan trọng
hơn, chân bạn hay tay bạn? Có lẽ cả hai đều quan trọng?
Tiền bạc là dầu bôi trơn. Nó cho phép bạn “trượt” đi trong cuộc sống thay
vì bị trày xước liên miên. Tiền bạc mang sự tự do – sự tự do để mua những
gì bạn muốn với thời gian của bạn. Tiền bạc cho phép bạn hưởng thụ những
điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như cho bạn cơ hội giúp đỡ người khác
có được những thứ cần thiết trong cuộc sống. Quan trọng nhất, có nhiều
tiền bạc cho phép bạn không phải tiêu hao năng lượng của mình để lo lắng
về việc không có tiền.