Thực tế, phần lớn họ lái xe hàng nội trong hơn 10 năm. Và tất cả đều giới
hạn mức chi tiêu hàng tháng ở một khoản nào đó.
Những người giàu nhất thế giới sống như thế nào?
Theo con số chính thức, Bill Gates được xếp là người giàu nhất thế giới
với tổng giá trị tài sản là 46 tỉ đô. Một cách không chính thức thì người sáng
lập ra IKEA, Ingvar Kamprad mới là người giàu nhất hành tinh với tài sản
53 tỉ đô. Một trong những lý do khiến ông có thể tích lũy được số tiền khổng
lồ như vậy là vì bản tính tiết kiệm sẵn có. Cho tới tận bây giờ, Kamprad vẫn
đi máy bay hạng thường, lái xe Volvo cũ và đợi cho tới chiều mới đi mua rau
quả, khi giá đã giảm đáng kể.
Nếu vẫn còn sống tới ngày hôm nay thì Sam Walton (1918–1992), người
sáng lập ra Wal-Mart sẽ là người giàu nhất thế giới với tổng tài sản ước tính
tới 90 tỉ đô. Trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới, có tới 5 người
chung dòng máu với Walton, được thừa hưởng tài sản của ông. Làm sao mà
một người từng là nông dân nghèo lại có thể ngồi trên đống tài sản chất cao
như đỉnh Everest vậy? Đó là vì ngoài tài năng xuất chúng ra, ông còn được
người đời biết đến nhờ đức tiết kiệm. Thiên hạ vẫn kháo nhau rằng, trong
những chuyến đi công tác, ông thường ở chung phòng với nhân viên để tiết
kiệm tiền phòng, chỉ đi máy bay hạng thường và mặc quần áo từ chính cửa
hàng giảm giá của mình.
Một ví dụ sống động khác là Warren Buffett, người giàu thứ hai thế giới
với tổng tài sản 42 tỉ đô. Người ta nói rằng Warren sẽ không mua xe mới vì
ông nghĩ điều đó không cần thiết. Từ những năm 1960, Warren đã nhận ra
rằng nếu ông bỏ 20 ngàn đô cho một chiếc xe mới thì trong vòng 10 năm
nữa, giá trị trao đổi của nó gần như bằng zero. Ông tính toán rằng nếu bỏ 20
ngàn đô đó vào đầu tư, ông có thể hưởng mức lãi suất 25% một năm. Mười
năm sau, lãi mẹ đẻ lãi con ông sẽ có 158.518 đô; 20 năm sau có 1,26 triệu đô
và 30 năm sau sẽ là 9,96 triệu đô. Suy đi tính lại, ông chả dại gì bỏ ra gần 10
triệu đô cho bất cứ một chiếc xe nào trên đời.