xuất. Chúng ta không phải suy nghĩ quá nhiều đến dòng chữ "Sản
xuất tại Indonesia", mà chỉ cần biết đó là một đôi giày Nike với
hình ảnh Michael Jordan đang nói với chúng ta: "Hãy hành động". Và
chúng ta cũng không cần phải lo lắng quá nhiều đến việc khoai
tây chiên mà chúng ta đang ăn được chiên với thứ gì trong khi bận
mắt với chú hề đội tóc giả hai màu trắng đỏ xoắn tít, nhảy chân
sáo biến qua màn hình và bám theo sau là một đám trẻ con đang reo
hò, như thể tay hề này là một gã chuyên dụ dỗ và lừa gạt trẻ em.
Ngày nay, người tiêu dùng đã khôn ngoan hơn. Họ biết kiểm tra
nhãn hiệu, đọc kỹ thành phần của sản phẩm và cũng hiểu rằng chi
phí quảng cáo cho sản phẩm trực tiếp đến từ chính túi tiền của họ.
Và họ chỉ muốn mua sản phẩm của những thương hiệu mà họ có thể
tin cậy. Đương nhiên, người tiêu dùng vẫn luôn muốn có được niềm
tin này, nhưng ngày nay "sự tin tưởng" không chỉ đơn giản là ngon,
tốt hay không độc hại như trước kia nữa. Đối với nhiều người, tin
tưởng còn có nghĩa là phải có đạo đức trong kinh doanh. Họ muốn
được biết sản phẩm đã được sản xuất ra sao và chắc chắn là
không có một ai bị lạm dụng trong quá trình này.
Để đạt được sự tin tưởng này, các thương hiệu không còn có thể là
những lá chắn bảo vệ nữa. Mọi thương hiệu đều phải rõ ràng, rộng
mở và phô bày ra trước mọi người.
Một trong những thương hiệu đó là Cafédirect. Được thành lập vào
năm 1991 bởi Oxfam, Traidcraft, Equal Exchange và Twin Trading để
đối phó với sự đổ vỡ của Hiệp định Cà phê Quốc tế hai năm trước
đó. Sự đổ vỡ của hiệp định này đã đẩy những nông gia trồng cà phê
trên khắp thế giới lâm vào thảm họa khi giá cà phê không ngừng
sụt giảm và xuống mức thấp nhất trong vòng ba mươi năm.
Cafédirect vì vậy đã đưa ra một thỏa thuận bảo đảm sẽ luôn mua cà
phê với giá cao hơn mức giá thị trường, đồng thời cung cấp một
chương trình phát triển và hỗ trợ các nông gia trồng cà phê.