người nghe hiểu rằng bạn đang coi thường những suy nghĩ, quan điểm của
họ. Và chẳng mấy chốc, họ sẽ chẳng còn muốn đoái hoài gì đến những gì
bạn hỏi (có lẽ họ cũng sẽ làm ngơ bạn luôn). Nếu muốn người nghe nghiêm
túc suy nghĩ về các câu hỏi bạn đặt ra, bạn hãy tạo ra các khoảng dừng sau
các câu hỏi ấy.
Tạm dừng lại khi người nghe đang cười
Nếu bạn nói ra điều gì đó vui, hài hước, người nghe sẽ cười và lúc này,
bạn cần dừng lại một chút, đừng nói thêm điều gì hết. Lúc đó, bạn chỉ cần
im lặng, mỉm cười và thưởng thức khoảnh khắc vui vẻ ấy. Đừng bao giờ tìm
cách dập tắt tiếng cười của người nghe. Nếu bạn cứ tiếp tục nói trong lúc họ
đang cười, họ sẽ không lắng nghe bạn.
Vì lẽ đó, bạn chỉ cần dừng lại, thưởng thức tiếng cười ấy, và nghĩ rằng:
“Họ thích tôi. Họ thực sự, thực sự thích tôi.”
Tạm ngưng để tạo cảm giác hồi hộp
Hãy tạm ngưng trước khi bạn tiết lộ một thông tin quan trọng và hay ho
nào đó, nhằm tạo cảm giác hồi hộp, chờ đợi. Chẳng hạn: “Tôi không thể
nào tin vào tai mình khi nghe anh ta nói [TẠM NGƯNG] rằng mỗi năm anh
ta lãi được hơn trăm triệu nhờ việc bán ve chai.” Việc tạm ngưng trước khi
tiết lộ điều gì đó sẽ làm cho người nghe lắng tai để ý nhiều hơn. Và cũng
thế, sau khi tiết lộ một thông tin thú vị nào đó cho khán giả, bạn cũng cần
tạm ngưng đôi chút để họ thưởng thức cái thú vị đó.
Tạm ngưng khi kết luận
Bạn đừng giống những diễn giả quá lo lắng như thể muốn vội vã chạy
trốn cho nhanh khi đến phần kết bài thuyết trình, đến độ chỉ lầm bầm vài
câu trong cổ họng trong lúc vội vàng thu xếp tài liệu, công cụ thuyết trình.
Cần nhớ rằng phần kết thúc giữ vai trò rất quan trọng và để tạo ra được một
cái kết có ấn tượng, đưa thông điệp đi vào lòng người nghe, bạn cần phải
làm điều này: ngay trước và sau khi nói ra vài lời kết thúc, bạn nên ngưng
lại một chút.
Hãy khéo léo đưa các khoảng dừng vào trong bài nói của bạn. Những
khoảng dừng thích hợp, đúng lúc sẽ giúp bạn nêu bật và nhấn mạnh được
những điểm quan trọng, giúp bạn gửi đến khán giả thông điệp mạnh mẽ