Quan trọng nhất là tôi tập trung vào bản thân và nội dung mình trình bày rồi
thể hiện nó theo cách tự nhiên nhất. Mỗi khi mất bình tĩnh hoặc tạm thời bị
bên ngoài lấn át, thậm chí là bị đè bẹp bởi năng lượng không mấy tích cực
của khán giả, tôi không để ý bên ngoài nữa mà tập trung vào hơi thở của
mình để tìm lại khả năng kiểm soát và làm chủ bản thân. Khi bạn làm chủ
bản thân và thể hiện đúng con người của mình thì bạn có sức mạnh và sự
cuốn hút.
Khi tôi sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói để gia tăng sinh động cho
bài trình bày, tôi đặt mình vào từng tình huống đó để có những cảm xúc rất
thật. Khi có cảm xúc rồi thì mọi thứ cứ tự nhiên tuôn chảy mà không cần
phải cố gắng hay gượng ép gì cả.
Vì sao nói trước hàng ngàn người mà anh vẫn tạo được cảm giác thân
thiện và gần gũi?
Khi nói với đông người, tôi luôn dành ít nhất là 5 phút để ghi nhận, khen
ngợi, cám ơn mọi người với nhiều lý do khác nhau: họ đã dành thời gian
đến đây, họ đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với họ, họ là những người cầu
tiến và sẵn sàng học hỏi để không ngừng phát triển... Tôi cũng không quên
vận dụng sức mạnh của nụ cười ngay khi bước ra sân khấu. Chỉ với nụ cười
thôi, bạn có thể kết nối được với khán giả ngay lập tức.
Trong suốt bài trình bày, tôi thường sử dụng nghệ thuật kể chuyện, đó là
cách truyền tải thông điệp an toàn và hiệu quả nhất bởi không ai phòng thủ
hay dè dặt trước một câu chuyện cả. Một khi họ mở lòng ra để đón nhận câu
chuyện thì những điều cần chuyển tải cũng theo đó mà nhẹ nhàng len lỏi
vào và đánh động họ.
Bên cạnh đó, tôi luôn đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của mình phải mở:
bàn tay thường xuyên mở ra, không ngại bước xuống gần khán giả, hơi
chồm người về phía trước khi lắng nghe một ai đó phát biểu…
Đó là cách để người nghe đọc được thái độ sẵn sàng chia sẻ và sẵn sàng
đón nhận của tôi. Ngoài ra, tôi liên tục di chuyển mắt đến mọi góc khán
phòng và dừng lại ở từng người vừa đủ để không ai trong họ có cảm giác bị
tôi bỏ sót.
Anh lấy đâu ra những câu chuyện rất thực, thú vị và phù hợp với nội