dung đến vậy?
Đôi khi, một câu chuyện hay không phải chỉ bởi các tình tiết của nó, mà
yếu tố quyết định còn nằm ở cách bạn kể, cảm xúc của bạn, những cảm
nhận và bài học bạn rút ra từ câu chuyện đó và nhất định nó phải phù hợp
bối cảnh và minh họa rõ nhất điều bạn muốn nói.
Các câu chuyện mà tôi kể trong các chương trình diễn thuyết đều được
chuẩn bị trước để phù hợp với nội dung chuyển tải và thông điệp nhắn gửi.
Thông thường thì tôi sử dụng các câu chuyện của cá nhân
– là những chuyện chính tôi trải qua – nên tôi có rất nhiều cảm xúc. Còn
nếu sử dụng những câu chuyện của người khác thì điều bắt buộc là tôi phải
trải nghiệm cảm xúc của chính mình với chúng trước đã, bởi chỉ khi bản
thân có cảm xúc, tôi mới truyền tải được cảm xúc ấy cho người nghe từ câu
chuyện mình kể.
Cách để tôi kể chuyện thú vị và sống động đó là tôi tưởng tượng câu
chuyện đang diễn ra ngay trước mắt mình, mọi thứ vẫn đang còn “nóng
hổi”, và tôi dùng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ, dùng giọng nói minh họa cho
người nghe cảm thấy câu chuyện như đang diễn ra trước mắt họ vậy.
Vì sao anh có thể dùng từ ngữ một cách chính xác và sống động như
vậy?
Tôi thường xuyên đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có cách dùng từ
thú vị hoặc một số tác giả được xem là “phù thủy” của ngôn từ để có thể mở
rộng vốn từ của mình và linh hoạt trong việc diễn đạt các ý muốn chuyển
tải. Đặc biệt, tôi cũng chú trọng đến cách sử dụng các thành ngữ, tục ngữ và
hiểu rõ ý nghĩa của chúng để đưa vào trong những bối cảnh phù hợp với bài
nói chuyện của mình. Tuy nhiên, một nguyên tắc quan trọng của diễn giả là
phải nói sao cho người nghe hiểu, nói bằng ngôn ngữ của người nghe,
ngang trình độ với người nghe; để đơn giản hơn, bạn chỉ cần ghi nhớ lời
khuyên sau đây: “Nói sao cho thằng ngốc cũng hiểu” là bạn sẽ trở thành
người thuyết trình giỏi.
Làm thế nào mà anh có thể sắp xếp các chủ đề, chủ điểm một cách rõ
ràng và theo trình tự logic?
Bất kể chương trình diễn thuyết kéo dài một ngày, một giờ hay năm phút