CHƯƠNG 6
SOẠN SẴN NỘI DUNG TRÌNH BÀY ĐỂ CHINH PHỤC
KHỐI ÓC VÀ TRÁI TIM NGƯỜI NGHE
TÁC GIẢ: LƯU NGỌC LÂM
Với tôi, Diễn giả = Học giả + Hành giả + Diễn viên. Nghĩa là để thành
diễn giả, hay người thuyết trình giỏi, bạn phải kết hợp kỹ năng của những
người vừa nêu: phải học tập từ sách vở và từ nhiều người khác, phải thực
hành những gì đã học, và dùng đến kỹ năng diễn xuất để diễn đạt các vấn đề
bạn muốn trình bày nhằm mang lại ích lợi cho người khác.
Với những gì đúc kết được qua nhiều năm học tập, quan sát, thực hành
và trải nghiệm, và với tinh thần “không lập kế hoạch chính là lập kế hoạch
cho thất bại,” tôi xin mạnh dạn chia sẻ một vài kinh nghiệm cụ thể về cách
chuẩn bị và trình bày nội dung bài thuyết trình để chinh phục khối óc và trái
tim người nghe.
1. Cấu trúc một bài thuyết trình từ 1 từ đến 1.000 từ
Một bài thuyết trình tốt – bất kể ngắn hay dài, từ 5 phút tới 5 giờ đồng
hồ, từ bài nói chào bán sản phẩm, bài tham luận trong một hội nghị, đến báo
cáo thuyết trình một nghiên cứu khoa học – đều cần có cấu trúc rõ ràng,
giống như một cuốn sách hay cần có một bố cục chặt chẽ, hoặc một bộ
phim hay cần có một kịch bản tốt vậy.
Về cơ bản, một bài thuyết trình tốt cần có ba phần, tương tự như ba phần
của một cơ thể hoàn chỉnh, mà tôi nói một cách ngắn gọn và hài hước cho
dễ nhớ như sau:
Đầu bài: Giới thiệu những gì mình sẽ nói.