Khi bước ra sân khấu, để xua tan cảm giác hồi hộp, bạn hãy hít vào thật
sâu, thở ra từ từ, mắt tập trung vào điểm chính giữa sân khấu, rồi khoan thai
bước ra. Lưng bạn cần giữ thẳng, đầu hơi ngẩng lên nhưng mắt nhìn xuống.
Đó là kiểu động tác đi đứng mà những người mẫu thường áp dụng: không
tỏ ra kiêu ngạo mà cũng không quỵ lụy, mang phong thái đĩnh đạc, tự tin.
Các nghiên cứu xã hội học đã cho thấy diễn giả chỉ có 20 giây đầu tiên
để gây ấn tượng ban đầu trước khán giả bằng các hành vi phi ngôn, và 4
phút đầu tiên bằng lời nói. Khoảng thời gian ban đầu này tuy ngắn ngủi
nhưng lại mang tính quyết định, và nếu tận dụng không tốt, bạn sẽ thất bại
bởi không có cơ hội thứ hai. Việc khán giả có hứng thú nghe bạn nói hay
không phụ thuộc rất lớn vào khoảng thời gian 4 phút rưỡi đầu tiên này. Đầu
có xuôi, đuôi mới lọt.
Có nhiều cách khác nhau để tạo ấn tượng ban đầu:
Tạo sự đồng cảm bằng cách tỏ thái độ hân hoan khi được gặp khán giả,
chào hỏi, chúc mừng hoặc khen ngợi họ;
Gây tò mò bằng cách kể một câu chuyện vừa mới xảy ra với chính bản
thân mình có liên quan đến chủ đề sẽ trình bày;
Gây sốc bằng cách đặt một vấn đề đi ngược lại với vấn đề mà khán giả
đang quan tâm;
Nêu ra một số liệu thống kê hoặc trích dẫn gây ngạc nhiên, tò mò;
Gây cười bằng cách kể một câu chuyện hài hước liên quan đến chủ đề;
Sử dụng một đạo cụ làm ví dụ minh họa để khởi đầu;
Và rất nhiều cách khác mà chúng ta có thể sáng tạo ra hoặc đơn giản
bằng cách kết hợp những cách trên.
Giới thiệu khái quát mục tiêu và nội dung chính:
Sau khi có được sự chú ý của thính giả, điều cần làm tiếp theo là cho họ
biết mục đích của bài thuyết trình là gì và họ sẽ nhận được gì từ đó. Mục
tiêu thuyết trình cần được nêu rõ ràng để thu hút sự tập trung.
Tiếp đến, giới thiệu khái quát những nội dung chính và thứ tự trình bày.
Điều này giúp người nghe có định hướng để nắm bắt được từng nội dung
của bài thuyết trình.