đã ăn đủ gió, nên lướt đi thật uyển chuyển trên mặt hồ xanh trong. Tôi đi về
phía chiếc lều và nhâm nhi cà phê, nhưng vẫn không quên để mắt trông
chừng thằng bé. Và tôi thật sự ngạc nhiên bởi khả năng tiếp thu của thằng
bé khá nhanh, nó làm lại y hệt những thao tác tôi vừa thực hiện trước đó vài
phút.
Sở dĩ tôi kể lại câu chuyện này với các bạn bởi tôi muốn chia sẻ với
các bạn một điều rằng, cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra được ý nghĩa và sự
cần thiết của việc mỗi người nên có một người thầy trong đời. Đó là người
mà không bao giờ chỉ trích và tìm cách gây ấn tượng với chúng ta bằng sự
hiểu biết của họ.
Chúng ta cũng không cần những người thầy lúc nào cũng lăm le cái
roi trong tay với bộ mặt hung tợn bắt ta phải nhớ cái này, học thuộc lòng
cái kia... Những gì chúng ta cần đó là một người có thể dạy chúng ta cách
cảm nhận cuộcsống, cách tiếp cận với các quy luật bản chất của tự nhiên
cũng như đời sống con người. Cuộc sống là một quá trình học hỏi không
ngừng.
Tôi thực sự không biết điều đó cho đến cái ngày đầu tiên căng buồm
ra khơi. Và bây giờ tôi đã thông suốt. Thường ngày, chúng ta luôn vỗ ngực
tự hào rằng mình thông minh, tài giỏi. Chúng ta tự lừa dối mình bằng cách
cho rằng chúng ta biết tất cả. Nhưng thực tế không phải vậy, chẳng ai sinh
ra là đã có thể biết hết mọi thứ nếu không trải qua một quá trình học hỏi
bền bỉ, kiên trì, thậm chí có người phải bỏ ra cả đời chỉ để học.
Chúng ta nên học tập những người đó, tự mình trút bỏ bộ cánh sĩ diện
hão cũng như sự hợm hĩnh của bản thân. Khi một người thầy bước vào
cuộc đời chúng ta thì đó cũng là lúc chúng ta được đón nhận một vinh dự
thiêng liêng nhất trong đời. Và để mở rộng sự hiểu biết của bản thân, chúng
ta thường tìm đến những người có tầm nhìn sâu rộng và học hỏi ở họ. Đó
có thể là những người thầy trong các lớp học, cũng có thể là những người
thợ trong các nhà máy...