Và không ngoại lệ, đó có thể là những người mà chúng ta chưa từng
được gặp, thậm chí mãi mãi không thể gặp, bởi họ thuộc về một thế hệ
khác, mặc dù chúng ta biết khá tường tận về họ qua những công trình họ để
lại cho hậu thế.
Nếu muốn viết văn, chúng ta cần một người thầy có thể truyền cho ta
sự cảm thụ văn chương sâu sắc với một chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm.
Lúc còn trẻ, tôi đã chọn cho mình những bậc thầy về văn chương như
Henry Thoreau, Willa Cather, và Leo Tolstoy. Nếu thích hội họa, chúng ta
nên tìm đến người cho ta những cảm nhận tinh tế về hình khối cũng như
màu sắc qua những tuyệt tác của họ.
Nếu yêu âm nhạc và ao ước được trở thành nhạc sĩ, hãy tìm đến những
người mà các sáng tác của họ có thể đánh thức tâm hồn ta qua những giai
điệu mượt mà, sâu lắng. Và nếu muốn đi thuyền, tốt hơn hết nên chọn một
người thầy có thể cảm nhận được ngay cả những thay đổi nhỏ nhất của cơn
gió, biển cả và cánh buồm chỉ bằng những đầu ngón tay cầm lái.
Từ lần đó, con trai tôi không lái thuyền lần nào nữa, bởi nó có những
việc khác để làm, những nơi khác để đi, và quan trọng hơn hết là nó không
có sự thôi thúc được lái thuyền trong cơn gió như tôi thuở thiếu thời. Nó trở
thành một nhà thiết kế đồ gỗ mỹ nghệ tài giỏi và là một tay câu cá cừ khôi.
Và vì muốn cố gắng trong nghề nghiệp của mình, thằng bé đã tự tìm
cho mình những người thầy, những người đã truyền cho nó những kinh
nghiệm và cả tâm huyết nghề nghiệp của họ. Hiểu được điều ấy, tôi đã lặng
lẽ bước chân ra khỏi con đường mà con trai đã chọn, đó là “món quà” duy
nhất mà tôi có thể tặng cho con.