Anh ta không lái thuyền theo cơn gió mà đi biển theo niềm tin của
mình. Anh ta hoàn toàn không biết một điều rằng, chính niềm tin ấy sẽ làm
thui chột dần các giác quan của anh ta, cũng như làm mất đi khả năng nhìn,
suy nghĩ, cảm nhận, tiên đoán và cách đối phó trước những trở ngại - các
kỹ năng mà một thủy thủ thực thụ cần phải có. Và những thủy thủ như vậy
thường không hiểu chút gì về nghề đi biển.
Anh ta sử dụng nhiều gió hơn mức cần thiết để đến được nơi mà anh
ta muốn, và như thế trên chặng đường đua theo chiều gió, anh ta chắc hẳn
là người cuối cùng cán đích. Nhưng không chỉ vậy, với tất cả những người
lái thuyền mà tôi biết, anh ta là người có ít niềm vui nhất, bởi anh ta đã
đánh mất sự tinh anh của chính bản thân.
Cuối cùng, những gì anh ta có thể thu được từ chuyến đi chỉ là những
quy tắc cứng nhắc mà thôi, và đó thực sự là một thảm kịch.
Sẽ thích hợp hơn, nếu anh ta là một quan tòa, người mà lúc nào cũng
quan tâm đến những câu chữ khô khốc trong các điều luật hơn là quan tâm
đến các nạn nhân. Hoặc anh ta là một ông chủ, lúc nào cũng tỏ ra ưu ái
những mục tiêu lợi nhuận trước mắt hơn là những nỗ lực của công nhân.
Những người này là đại diện của sự cứng nhắc tuyệt đối. Họ không
chịu thích nghi mà quyết tâm giữ vững những quy luật của mình, những
nguyên tắc, những lịch trình... như thể thế giới này là của riêng họ và
không gì có thể làm họ thay đổi. Đôi khi chúng ta tự hỏi rằng tại sao họ lại
theo đuổi một kết cục không lối thoát một cách bền bỉ như thế, thì câu trả
lời là, hay chí ít cũng một phần nào đó, họ thực sự giống như những thủy
thủ chưa từng bao giờ học được cách cưỡi lên cơn gió.
Giờ đây, khi đã bước vào tuổi xế chiều, tôi đã nhận ra một điều: tôi
không có đích đến, cũng không có một mục tiêu thực sự theo lẽ thường.
Đích đến, điểm mà cả cuộc đời tôi hướng đến, tự nó là một hành trình,
không phải là điểm dừng chân cuối cùng.