Xác cô gái từ khe suối, trôi ra sông, rồi lọt vào vòng rào tại cửa biển. Sau
khi vớt xác lên. Ông Dì Xiêm chẳng thèm nhổ bỏ mấy cây nọc. Cá biển
giành nhau mà chui để nương tựa lúc nổi sóng lên. Thế là ông Dì Xiêm trở
thành thủy tổ của nghề nò Xiêm. Ông này nghe đâu là người Hải Nam. Vì
vậy khi hạ nò Xiêm, người miền biển cúng tế trọng thể, rước thầy nò đến
‘nhờ xem’ phương hướng kẻo Hà Bá, Thủy Long hờn giận”.
Câu chuyện hấp dẫn khiến Hai Nhiệm suy nghĩ. Đúng rồi! Xưa nay,
muốn đánh lưới hoặc muốn bao đăng, luôn luôn người ta theo nguyên tắc
mành lưới hoặc kẽ đăng phải khít thân hình con cá, con tôm thì mới hy
vọng túm nó được. Ông Dì Xiêm đã ngẫu nhiên phát minh ra nguyên tắc
mới. Ngoài biển sóng gió, loại cá to phải lựa một gốc cây nào đó mà nương
tựa cho ấm cúng. Gặp gốc cây, cá mừng quýnh như kẻ sắp chết đuối bám
được cái phao. Nó chẳng bao giờ buông phao để chịu chết đuối, bỏ phao
này, nó chuyền qua phao khác rồi lọt vào nò cho ta xúc, đem bán.
Để tỏ rằng mình chưa đến nỗi vong ân bạc nghĩa đối với tiên sư Dì
Xiêm, Hai Nhiệm toan kết thúc câu chuyện để đuổi khéo ông thầy nò Tư
Nhu.
- Mấy năm qua, tôi làm giàu nhờ ông Dì Xiêm. Nếu gặp con cháu của
ông, tôi sẵn sàng đền ơn. Ổng giỏi thiệt. Nhờ ổng mà dân miền biển sáng
mắt thêm: cá vô nò, dựa lưng vào mấy cây nọc để chờ chủ nó tới xúc chớ
không bao giờ chạy trốn, mặc dầu miệng nò rộng hàng đôi ba thước. Và
giữa hai khoảng nọc có kẽ hở lớn gấp đôi gấp ba thân mình của nó.
Thái độ cương quyết của Hai Nhiệm khiến thầy Tư Nhu tạm thời rút
lui:
- Mai chiều, tôi trở lại thăm chú em.
- Cám ơn, để tôi thăm Xìn Phóc trước đã. Y ta chịu cho mượn tiền thì
mới bàn tới chuyện Dì Xiêm, chuyện con quan đại thần hái bông ở khe núi.