Bây giờ Hai Nhiệm đâm ra cảm động trước thái độ quá ư thành khẩn
của Tư Nhu. Anh bắt buộc tên gia nhân ấy ở lại nhà. Đoàn ghe lên đường,
xông ra ngoài khơi, dưới trận mưa tối tăm trời biển. Trống ngực Hai Nhiệm
đánh thình thình. Thầy Tư Nhu đưa chai rượu lên môi mà ực liên tu bất tận,
tưởng chừng như nếu ai gỡ chai rượu ấy ra, thầy mất phần hồn lăn ra chết
xỉu. Hàng rào xuất hiện. Mớ cây đước cắm giăng hàng ngang để chận cá
vẫn đứng vững trước bảo táp phong ba. Đoàn ghe nương theo đó mà tiến
vào bụng nò. Hai Nhiệm và thầy Tư đều đứng thẳng người.
Bụng nò còn nguyên chưa hư hao. Vài bầy cá chim bay nhảy khỏi mặt
nước, rớt xuống khuất dạng.
Tư Nhu bỗng run rẩy:
- Con gì? Ghê quá! Trời đất ơi là Trời! Hai Nhiệm hỏi như cà lăm:
- Thầy nói gì? Tôi đâu thấy? Thây ma hả?
- Đâu có! Bữa nay không có thì mai mốt có cá. Mình được quyền chờ
đợi. Đợi ba tháng nữa mới mắn mùa nò. Nhưng mà nó ở dưới đáy biển kia,
nó sửa soạn nổi lên. Nó sống nhăn. Nó không phải là người. Tôi thấy vài
lần rồi.
Trong giây phút, Hai Nhiệm nhớ tới cá nược, cá “vuông”, loại cá ông
thứ nhỏ thường xông pha vào để phá nò. Anh ta cãi lại:
- Đâu có! Nếu là nó, thì nó xịt vòi nước rồi quậy ầm ầm chìm ghe
chìm xuồng rồi.
Từ dưới biển một cái đầu đỏ hói nổi lên, to và tròn bằng trái dừa khô
thứ lớn nhất: miệng nó hả ra giống như mỏ chim, mắt nhắm híp lại.
Con quái vật ấy như bất chấp số khán giả trên mặt biển. Hai Nhiệm
run lẩy bẩy: