Triệu cũng tìm ra được nhà các bạn Triệu. Mỗi lần đi tìm cháu, bà ngoại
Triệu thường hay ở lại chuyện trò nên thường biết thêm gia cảnh của các
bạn Triệu. Việc người lớn quen nhau qua con cháu nhiều khi cũng giúp bạn
bè Triệu được thuận lợi. Như có một lần, Triệu đã tìm cách lân la với một
bạn học chỉ vì biết anh bạn này có nuôi nhiều gà tre, loại gà rừng nhỏ con
mà giới trẻ rất thích. Có một lúc vào ngày lễ, thầy giáo lại cho một lô bài
toán cho học sinh phải làm trong các ngày nghỉ. Anh bạn này vốn yếu về
toán nên rủ Triệu đến nhà để cùng làm bài. Anh cũng có hứa sẽ tặng cho
Triệu một con gà để đem về nuôi. Đến mãi xế trưa, sau khi đã giúp làm
xong các bài toán, anh bạn này mới lựa cho Triệu một con gà bé tí teo, mà
lại là một con gà mái! Triệu thất vọng quá nhưng không dám nói ra. Nhằm
lúc ấy bà ngoại Triệu lại đi tìm cháu và được hướng dẫn đến đúng nhà bạn
Triệu. Như thường lệ, bà ngoại Triệu bắt chuyện với gia đình bạn Triệu.
Trong câu chuyện ngoại Triệu có cho gia đình bạn biết là sáng trước khi đi,
Triệu có cho bà biết là hôm đó Triệu có một bạn hứa đến nhà anh ấy “lấy
gà”. Ngoại Triệu đã dạy Triệu là phải nói “ đến nhà bắt gà, chớ không ai lại
nói: đến để lấy gà”. Mọi người đều cười ồ về việc dùng sai danh từ của
Triệu và kết cuộc câu chuyện là gia đình bạn Triệu bắt anh phải tặng thêm
cho Triệu một anh gà trống đàng hoàng cho “đủ cặp”!
Ông ngoại Triệu là một trong những người được huấn luyện đầu tiên về
nghành họa đồ nên thường được đổi đi rất nhiều tỉnh để đo đạt đất đai ở
miền Nam. Vì vậy nên Triệu tuy còn nhỏ tuổi nhưng trong các câu chuyện
nghe được trong gia đình, nhiều địa danh các làng mạc, sông ngòi, kinh
lạch ...đã in vào tiềm thức Triệu. Sau này khi phải di chuyển đó đây trong
thuở Kháng chiến Nam bộ hay trong thời gia nhập Hải Quân, những nơi
như Cầu Kè, Cầu Ngang ở Trà Vinh, Hàm Luông, Mõ Cày, Giồng Trôm ở
Bến Tre, Đầm Dơi, Năm Căn,Cái Nước, Sông Ông Đốc ở Cà Mau..., các
nơi đó đối với Triệu tưởng chừng như là những nơi đã từng biết trước!
Khi đáo tuổi hồi hưu, Ông ngoại Triệu trở về quê quán ở Biên Hoà. Từ nơi
đô thị tỉnh nhỏ là Vĩnh Long, Triệu bắt đầu làm quen với lối sống nửa tỉnh,
nửa quê ở Phước Lư, một ấp nhỏ bên dòng sông Rạch Cát, cách tỉnh lỵ
Biên Hoà khoảng bốn cây số. Ông ngoại Triệu quê quán nhiều đời ở Cù