Sáng sớm Chủ nhật trong tuần đó, Triệu đã lấy xe đạp đi về phía Bắc, lên
một cánh đồi ở Guétary. Trong cảnh mặt trời lên buổi sáng, ngồi nhìn về
phương Tây, để tâm hồn lắng dịu, vượt qua Đại Tây Dương và cả Thái
Bình Dương, Triệu chú lòng làm lễ Cầu Siêu cho ông và bà ngoại. Mặc dầu
biết rằng trong các lễ cầu nguyện nên cần có tha lực của nhiều người cùng
chú nguyện, nhưng cho đến nay, Triệu vẫn tin rằng lần cầu nguyện đơn côi
ấy là lần Triệu thực sự được cảm thông trực tiếp với ông bà ngoại của
Triệu.
Sau buổi cầu nguyện, Triệu tiếp tục ngồi lặng yên , tận hưởng những giây
phút hiện tại đang được sống giữa cây cỏ, núi đồi, ánh sáng trong suốt buổi
ban mai. Triệu lắng nghe tiếng chim hót, Triệu nhìn những con dế hút nước
sương trên các cọng cỏ, lá cây ...Triệu chợt thức tỉnh, nghĩ đến những lời
dạy của Đức Phật về Luân Hồi, về Duyên Khởi. Những cảnh vật quanh
Triệu, từ ánh sáng ban mai đến cơn gió lạnh ở đại dương thổi vào, từ côn
trùng đến chim chóc, từ hơi thở đến nhịp tim đang đập mạnh trong
Triệu...tất cả đều như hòa hợp duyên khởi nhịp nhàng. Triệu cảm thấy hình
ảnh của ông, bà ngoại Triệu vẫn còn tiếp tục sống trong Triệu cũng như
huyết mạch của ông bà nhiều kiếp vẫn luân lưu trong thân thể Triệu.
Buổi sáng tinh sương trên đỉnh đồi Guétary hôm đó đã đưa Triệu đến con
đường vào ánh sáng đạo Phật và kể từ đó, đã giúp Triệu có một cuộc sống
an lạc trong thân tâm.
Trở về Việt Nam hành nghề, Triệu đã có dịp chứng kiến các tàn phá, đổ nát,
chết chóc trong cuộc chiến tương tàn vì ý thức hệ. Triệu cũng phải như các
đồng hương khác, bỏ xứ sau sự thất bại ở miền Nam để ra đi tìm được cuộc
sống trong khung cảnh tự do. Trong nỗi đau lòng xa xứ, Triệu nhận thức
thấy trong sự rủi cũng có cái may khi chứng kiến sự thành công vẻ vang
của giới trẻ về học vấn, sự thành đạt về phát triển kinh tế của những đồng
hương đến xứ người với hai bàn tay trắng, sự phát huy Phật Pháp và Thiền
Đạo ở hải ngoại...
Sự hủy hoại đau thương trong chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, sự bắt
buộc đành bỏ xứ ra đi của dân chúng miền Nam, phải chăng đấy là một
cộng nghiệp mà Triệu phải cùng gánh chịu với cả dân tộc?