Khi pháo đã nằm trên "bệ", hướng nòng vào Sài Gòn, ai nấy đều mệt bã
nhưng nghĩ tới giờ phút trút lửa xuống đầu quân thù thì không chợp mắt
được nữa. Khoảng thời gian còn lại chỉ là thao thức đợi chờ. Theo mệnh
lệnh của Quân khu thì pháo Nhà Bè sẽ nổ trước, đúng vào lúc khai mạc
cuộc lễ còn pháo Thủ Đức phát hỏa khi địch bắt đầu cuộc diễu binh. Quyết
định này xuất phát từ một quy luật của địch mà ta đã nghiên cứu: cuộc lễ
nào của chúng hầu như cái trò diễu binh cũng diễn ra một giờ rưỡi sau khi
khai mạc.
Việc hiệp đồng cho ăn khớp giữa hai trận địa pháo rất khó khăn. Nhưng
cái điều tình cờ mà như tất yếu là địch phải tuyên truyền cuộc lễ qua làn
sóng đài phát thanh, chính những thời khắc chặt chẽ trong chương trình của
địch lại "cung cấp" chính xác giờ hiệp đồng cho ta. Hai đồng chí Trần Ninh
Tâm và Nguyễn Văn Tăng đều được trang bị hai chiếc rađiô Sony Nhật
chính hiệu.
Khẩu đội Bình Tân ở cánh Nhà Bè được trao vinh dự "bắn vào mồm
Nguyễn Cao Kỳ" mở đầu đánh phá cuộc lễ, nên cán bộ, chiến sĩ càng bồn
chồn háo hức. Mọi phương tiện thao tác đã được chuẩn bị xong, các pháo
thủ chỉ còn nhiệm vụ nạp đạn... thu pháo rút lui. Còn hai giờ rưỡi nữa mới
sáng nhưng chẳng ai tài nào ngủ được một lát. Pháo cầm canh của địch gầm
vang bốn phía, lâu lâu một viên đạn vạch đường cong lửa lên nền trời ngoại
ô như để trấn an đồng bọn.
Khi trời mờ sáng, mọi người nhận ra tất cả khẩu pháo nằm trên một
vùng đất được bao kín bằng những ngọn lúa và cây trâm bầu, chung quanh
nước sâu ngang đầu gối. Những "lồng cu" đen ngòm hiện ra cách trận địa
không xa, ai cũng cảm nhận hết sự gay go mà khẩu đội phải gánh chịu khi
khẩu pháo gầm lên giữa thanh thiên bạch nhật ngay trước "mũi" kẻ thù, mặc
dù những phương án tối ưu nhằm bảo đảm an toàn đã được đề ra.
Khẩu đội trưởng hồi hộp kiểm tra lại thước ngắm trong ánh bình minh
trải vàng trên mặt đất, không ai bảo ai, tất cả đều hướng về Sài Gòn.