Phút giây này, Trân nghe lòng mình vơi nhẹ bởi đã vượt qua chặng đầu khó
khăn của trận đánh. Toàn bộ đội hình chiến đấu vẫn bí mật chờ đợi giờ hiệp
đồng nổ súng.
Anh ngước nhìn vòm trời Sài Gòn cao thẳm, đầy sao và bất giác nhớ về
tuổi thơ xa xăm của mình. Nơi đó là Tân Thới Nhì (Bình Tân) quê anh.
Những kỷ niệm se thắt vui buồn lại hiện ra. Năm 1949, cha Trân bị giặc
Pháp bắt tra tấn dã man, khi chúng thả về phải mang bệnh nặng. Mẹ Trân
tần tảo, vất vả lắm mà vẫn không nuôi nổi cả gia đình. Mười sáu tuổi đầu
nhưng Trân chỉ có một chiếc quần xà lỏn trên mình. Hằng đêm Trân phải
dậy sớm đi nặn sữa bò thuê cho bọn nhà giàu để lấy tiền nuôi em và mua
thuốc cho cha. Những con bò cái khó tính đá Trân bầm cả ngực.
Nhưng trong những ngày đen tối đó, Trân may mắn được các chú, các
anh cán bộ cách mạng tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước và căm thù
giặc, Trân đã sớm nhận ra chỉ có con đường đi làm cách mạng thì đời mình
mới hết đói nghèo. Từ đó, đêm đêm nghe tiếng súng du kích Tân Thới Nhì
là Trân không sao ngủ được, cứ trăn trở, ao ước trong lòng.
Được giao công tác thông tin và bảo vệ cán bộ cách mạng nhưng Trân
không khi nào xao lãng việc giúp đỡ gia đình. Đêm nào cũng vậy, đi liên lạc
hay đi hội họp về. Trân thức đến khuya để nhổ cải và 3 giờ sáng đã dậy
gánh cải ra chợ cho mẹ bán.
Trân lớn lên cứng cáp và bước vào tuổi thanh niên sôi nối của mình
bằng những cuộc tham gia đấu tranh chống giặc đuổi nhà, dồn dân mở rộng
sân bay. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng này, Trân đã bỏ công sức ra
xây dựng đội vũ trang địa phương. Lòng quyết tâm sắt đá và chí căm thù
giặc sâu sắc từ anh truyền sang từng chiến sĩ. Với lối đánh du kích rất hiểm
hóc, đội võ trang của Bành Văn Trân đã giáng cho địch những đòn bất ngờ
kinh khiếp. Bọn ác ôn trong vùng nơm nớp sợ hãi bị trừng trị, đêm đến phải
chui vào các đồn bót, không dám ngủ ở nhà.