vị xã hội của họ. Như vậy làm thế nào để nhận định rõ cá tính của họ? Làm cách
nào để vạch ra cái phương trình cá tính của người ấy?
Những phương pháp để dò xét cá tính con người mà chúng tôi vừa chỉ ở chương
trước không thể áp dụng trong trường hợp này. Chỉ có lối dò xét trực tiếp và
những cuộc quan sát tinh xác mới có thể giải quyết phần nào bài toán khó giải
ấy.
Trước hết phải nhận xét về cái “mặt tiền” của người:
Việc quan sát đầu tiên mà chúng ta có thể làm là quan sát cá tính tập thành, cái
phần cá tính dễ nhận xét nhất. Trước khi giao dịch làm ăn với ai, lẽ dĩ nhiên
chúng ta phải dò xét về người đó.
Chẳng những dò xét về cái “chân đứng” của họ trên thương trường, dựa theo
những tài liệu do các ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên môn cung cấp; ngoài
ra chúng ta còn phải dò xét những thị hiếu, những thói quen, xét về tư tưởng, về
trình độ văn hóa của họ.
Nội một việc phân tách cái cá tính tập thành như chúng tôi đã có chỉ ở một phần
trước, cũng có thể giúp chúng ta “hiểu” đôi chút về một người nào đó.
Một nhà thể thao (nên hiểu là người thích tập thể thao chứ không phải người
thích xem những cuộc thịnh diễn thể thao), một người hay đi du lịch, năng xê
dịch, quen dậy sớm, có thể kể là người hoạt động.
Một người thích “chơi bời”, thích “ăn nhậu” ắt có ít nhiều tham muốn.
Người có óc thẩm mỹ, thích âm nhạc, thích chơi tranh, viết văn hoặc ngâm thơ
ắt phải có nhiều cảm xúc tính, nhiều trí tưởng tượng.
Cứ trông vào nhà một người, nếu chúng ta thấy nơi ấy thường có những cuộc
tiếp tân, tiệc tùng, chúng ta có thể đoán chủ gia là người có nhiều óc hợp đoàn,
nhưng cũng đừng quên ảnh hưởng của người đàn bà; lắm gia đình có bộ mặt rất
niềm nở, nhưng chúng ta đừng vội đoán rằng chủ gia là người thích giao du, vì
thực ra đó chỉ là sở thích riêng của bà vợ, còn ông chồng thì tính vốn thích cô
độc, kém xã giao.
Thấy một người tham gia nhiều hội hè, hoặc có chân trong hội thể thao, hội
phước thiện, chúng ta có thể tạm đoán: lòng nhân người ấy khá cao. Ngoài ra
nhận xét này cũng có thể là chứng chỉ của lòng tham muốn, của óc hợp đoàn bởi
có người tham gia vào những công cuộc ấy chỉ vì háo danh, ham chức. Chúng ta