thất vọng quá”.
Làm gì Kỉ Đình không hiểu ý tứ trong câu nói của Trần Lang, mặt mũi
anh vẫn vẻ thờ ơ, nhưng cái trầm tĩnh cùng thư thái trong ánh mắt đã không
còn nữa, chỉ nghe thấy tiếng thở gấp gáp của mình.
Đúng lúc Trần Lang tưởng rằng anh sẽ quay quắt bỏ đi, Kỉ Đình từ tốn
ngồi xuống ghế, răng bất giác cắn chặt môi dưới, “Tôi van nài cậu nói cho
tôi biết cô ấy ở đâu? Tôi van nài cậu, không vì điều gì khác, chỉ vì tôi yêu
cô ấy...”
Trần Lang không nói năng gì, kể cả sau khi Kỉ Đình đã phải nghiến răng
thốt ra hai chữ “van nài” đầy tôn nghiêm, anh ta cũng chỉ cười cười, từ biệt
ra về.
Người đi rồi, trà đương nhiên cũng nguội ngắt.
Ngày hôm sau, Kỉ Đình đi làm với bộ mặt trắng bợt, Mạc Úc Hoa nhìn
thấy, dằn lòng không đặng mà hỏi một câu, “Ốm à, trông cậu thế này đến
cô quét dọn vệ sinh cũng phải đau lòng đấy”.
Kỉ Đình cúi xuống chỉnh lại quần áo, cười cười, “Thật à, tại hôm qua
ngủ không ngon thôi mà”. Vất vả lắm mới tống tiễn được bà bệnh nhân
trung tuổi, sắp sửa phải đồng thời điều trị viêm dạ dày mãn tính và tổn
thương tinh thần, Kỉ Đình mới lôi từ đáy túi áo blouse ra chiếc di động rung
nãy giờ, trông thấy tên hiển thị trên điện thoại, tim anh như ngừng mất nửa
nhịp, là Trần Lang, trong tin nhắn của anh ta chỉ vẻn vẹn hai từ ngắn ngủi:
Tả Ngạn.
Cuối cùng anh ta cũng chịu mở miệng. Kỉ Đình xiết chặt chiếc điện
thoại trong tay, như thể khát khao lần tìm thêm manh mối từ hai chữ cụt lủn
ấy, nhưng cuối cùng đành chịu thua, anh chỉ biết về cái phóng đãng phong
tình nơi tả ngạn sông Seine, nước Pháp trong lời đồn đại, nhưng chắc đấy
không phải ý Trần Lang định nói rồi.