cô một hộp đủ loại dụng cụ vẽ vời. Cô bé vừa vào cấp ba đã nội trú trong
trường, cuối tuần mới về nhà, có khi cuối tuần cũng chưa chắc đã về, mà
nếu về thì nhất định sẽ vác theo cả đám đồ nghề ấy, thế nên Kỉ Bồi Văn bèn
bàn bạc với ông bạn, cứ để cô bé tung tẩy vẽ vời thế này thì không ổn, hiếm
khi cô bé đam mê cái gì đến thế, chi bằng đàng hoàng mời hẳn một vị giảng
viên ở Học viện Mỹ thuật về kèm cặp cho cô bé. Cố Duy Trinh và Uông
Phàm suy tính một hồi, cuối cùng cũng đồng ý. Họ nhờ người tìm một vị
giảng viên có tuổi đang giảng dạy Mỹ thuật hiện đại trong khoa Nghệ thuật,
cứ cuối tuần lại đến dạy kèm cho Chỉ An một buổi. Lần này Chỉ An không
cự nự gì, tuần nào cũng ngoan ngoãn mò về, cô bé rất hiếm khi chuyên chú
vào một việc lâu đến vậy, đến bố mẹ cô cuối cùng cũng chịu tin rằng cô
thực sự ham thích hội họa.
Đợt phụ đạo này kéo dài được gần một tháng, cuối cùng vị giảng viên
già cả ấy đành bất lực tìm gặp Cố Duy Trinh, vừa mở miệng đã thốt lên
một cậu, “Ông Cố ạ, xem chừng cái việc dạy kèm này không cần tiếp tục
nữa đâu, có khi ông phải vời đến bậc thầy khác cho tiểu thư nhà ta thôi”.
Cố Duy Trinh tuy đã có sự chuẩn bị về tâm lý, thế nhưng vẫn vô cùng kinh
ngạc, vội vàng hỏi ngay duyên cớ, hóa ra vị giáo sư già này trung thành
theo lối dạy từ lý luận, mục đích là xây dựng căn bản vững vàng cho cô bé,
chí ít thì cũng bồi dưỡng cái ý thức thẩm mỹ có uốn nắn nhất định, ai ngờ
qua lại vài lần, Chỉ An đã tỏ ra vô cùng chán ngán với mớ lý luận của ông
thầy, có lần quan điểm của hai thầy trò trái ngược nhau, ông giáo sư già
đương nhiên sẽ khăng khăng ý kiến của mình, cô bé đang lúc tức tối buột
miệng nói, “Cái mớ lý luận của thầy là đồ bỏ đi!”. Người ta dạy dỗ vô số
học trò, nào đã bao giờ gặp phải đứa ngông cuồng láo lếu thế này, vậy nên
trong cơn thịnh nộ lập tức giã từ ghế gia sư.
Đã đến nước này, Cố Duy Trinh chẳng còn mặt mũi nào mà nài ép giữ
chân ông thầy, chỉ đành rối rít xin lỗi, lúc về nhà thì điên tiết không để đâu
cho hết, quát mắng Chỉ An một trận dữ dội, Chỉ An chẳng hề tỏ vẻ ăn năn
hối lỗi, chỉ cười nhạt mà nói rằng, “Con bảo cái mớ lý luận của thầy ấy là