bức tranh hóa ra là thiên kim tiểu thư Chủ nhiệm Cố của khoa Thương mại
thì càng thêm hào hứng, thế nên đã chủ động tìm đến nhà Cố Duy Trinh,
đòi gặp bằng được cô bé.
Vị hướng dẫn sinh có con mắt tinh đời này là Tạ Tư Niên. Chính là
nhân vật đi đầu của một phái mới nổi lên vài năm gần đây trong giới sơn
dầu. Lần này Đại học G trân trọng thỉnh anh ta về từ trường Hạ Môn, chẳng
ngoài mục đích phô trương thêm thanh thế cho khoa mỹ thuật của trường.
Tạ Tư Niên mới ngoài ba mươi, tài năng đang độ nở rộ, mấy cụm giải
thưởng đã nhiều lần nhận được giải thưởng chuyên nghành trong ngoài
nước, được các anh em cùng nghề cực kì khen ngợi. Có điều, cũng giống
mấy vị nghệ thuật gia giành được chút thành tựu, anh ta cũng khá phóng
túng bừa bãi, Cố Duy Trinh đã nghe phong phanh về đủ loại thói hư tật xấu
trong đời tư của anh ta, bởi vậy, vị chuyên gia này bày tỏ sự tán thưởng với
Chỉ An, thế nhưng ông bố vẫn còn do dự trong lòng xem có nên giới thiệu
cô con gái với Tạ Tư Niên hay không. Cuối cùng vẫn phải là Uông Phàm
lên tiếng “con gái anh dù không học vẽ ở chỗ Tạ Tư Niên thì cũng chẳng ra
đâu vào đâu, so với việc cứ thả rông nó ở trường muốn làm gì thì làm, chi
bằng cứ xem ý nó ra sao, mà nếu người ta có chịu thu nạp có, với tính tình
của nó cũng chưa chắc học hành tử tế được bao lâu đâu.”
Vậy nên kì nghỉ hè năm lớp Mười một của Chỉ An, Cố Duy Trinh đã
chính thức dẫn con gái đến trước mặt Tạ Tư Niên, ai ngờ Tạ Tư Niên với
Chỉ An vừa nới gặp nhau đã bày tỏ sự nuối tiếc sao không gặp gỡ nhau sớm
hơn, hai con người khùng điên như nhau thấy hợp tính hợp nết quá đỗi,
càng nói càng ăn ý, từ lúc đó Chỉ An bắt đầu học vẽ cùng Tạ Tư Niên. Cố
Duy Trinh cũng đã từng nghĩ đến việc trả học phí cho Tạ Tư Niên, ai dè lại
bị một phen tẽn tò, Tạ Tư Niên nói rằng anh ta không cần đến chút tiền
còm ấy, việc dạy dỗ Chỉ An chỉ đơn thuần xuất phát từ niềm yêu thích cá
nhân thôi, anh ta với Chỉ An không xưng hô thầy trò, mà người nọ kêu
thẳng tên người kia.