khoảng cách cần thiết. Lệ Mai thường thú nhận với mọi người "Có sếp như
vậy, tôi làm việc một ngày hai mươi bốn tiếng cũng cam!"
Vốn quen với sự dịu dàng của sếp, sáng nay Lệ Mai kinh ngạc nhìn
Michel mở cửa phòng cô một cách bất ngờ không gõ trước. Ông xồng xộc
bước vào, khuôn mặt đầy xúc động và ánh nhìn bộc lộ một nỗi đau sâu sắc.
- Có chuyện gì vậy Michel? - Lệ Mai vẫn thường gọi tên sếp thân mật
theo ý ông.
- Cô đọc lá thư này đi! - Vẫn còn rất xúc động, Michel chìa cho cô một
lá thư - Tôi vừa nhận được từ tập đoàn mình bên Paris. Cô nên nhanh
chóng đến thăm người ta rồi cho tôi biết chúng ta cần giúp đỡ thế nào. Tôi
thấy có cho bao nhiêu cũng không bù được nỗi bất hạnh của cô gái này.
- Vâng, Michel! - Lệ Mai nhẹ nhàng trả lời nhưng sếp đã vội vã quay đi
che dấu những giọt nước mắt ứa ra.
Lệ Mai cầm lấy lá thư Michel đưa. Thư viết tay bằng nét chữ mềm mại
và đều đặn của một người tài hoa. Phong bì đóng dấu bưu điện Việt Nam,
người gởi ghi địa chỉ công ty tận bên Pháp. Bức thư dài bốn trang giấy học
trò được viết bằng một thứ tiếng Pháp chỉn chu. Dù rất tự hào mình giỏi
ngoại ngữ, Lệ Mai cảm thấy khâm phục người viết vì câu văn được diễn đạt
hoa mỹ và văn phạm được chăm sóc khá kỹ, điều rất khó làm được trong
ngôn ngữ này.
Người viết tự giới thiệu mình là một thiếu nữ bất hạnh năm nay hai
mươi lăm tuổi. Cô tên Trần Thị Lan, bị nhiễm chất độc màu da cam nên khi
sinh ra đã bị dị dạng. Lan tự tả mình "như một con khỉ trụi đầu có cái cằm
dính chặt vào cổ nên suốt đời phải chịu cảnh cúi gằm mặt xuống đất không
sao ngẩng lên được". Cô còn chịu cảnh không chịu đi lại được vì bàn chân
bị xụi và luôn luôn đau nhức. Hầu như cuộc đời của Lan không có nụ cười
vì bệnh tật và những ánh mắt soi mói của đồng loại. Tuy tả mình bị tàn tật,