LỜI NGƯỜI DỊCH
Có một mảng văn học Mỹ chúng ta ít biết đến nhưng ở Mỹ và trên thế
giới nó chiếm một vị trí khá độc đáo với cái tên ngắn gọn: Western – Miền
Tây, mà không một kẻ lạ hơi nào có thể hy vọng trà trộn vào đó.
Ta hãy tạm chia lịch sử Mỹ ra làm ba thời kỳ khám phá và khai phá.
Đầu tiên là những đợt di dân ào ạt của châu Âu cùng khốn và chật hẹp sang
bờ biển miền Đông nước Mỹ. Thời kỳ thứ hai có lẽ mạo hiểm, gian truân
hơn, là cuộc phiêu lưu tiếp sang bờ biển miền Tây, mở rộng bờ cõi hay đúng
hơn, mở ra tính đa dạng Mỹ. Và thời kỳ thứ ba, khám phá hiện đại, đưa
nước Mỹ vào ngôi vị hàng đầu thế giới. Con cháu của những thủy thủ từng
tìm ra các châu lục, kể cả chính châu Mỹ, họ cứ tiếp mãi bước chân giang
hồ. Khác một điều, bây giờ là vượt cạn…
Larry McMurtry, tác giả Bồ Câu Cô Đơn (nguyên bản tiếng Anh:
Lonesome Dove) đã trích dẫn T. K. Whipple cho chúng ta hiểu người Mỹ
luôn thèm khát một chân trời tâm linh để họ tìm thấy sức mạnh tinh thần ở
quá khứ – và đó chính là lý do tồn tại sâu bền của văn học Miền Tây:
“Toàn bộ nước Mỹ nằm ở tận cùng của nẻo đường đại hoang vu và quá
khứ chúng ta không là một quá khứ chết, nó sống trong chúng ta. Ông cha
chúng ta có ở trong mình nền văn minh và ở ngoài mình miền hoang dại.
Chúng ta sống trong văn minh do tổ tiên tạo ra nhưng hoang dại vẫn ngự trị
bên trong chúng ta. Chúng ta sống những gì tổ tiên ước mơ và chúng ta ước
mơ những gì tổ tiên từng sống.”
Văn học Miền Tây không thể thiếu được với người Mỹ vì lẽ đó.
Món ăn tinh thần này nhiều tố chất dinh dưỡng cho đạo làm người mà
có lẽ trước hết là lòng dũng cảm, trí thông minh, tinh thần xả thân vì tình
bạn, tình yêu, vì tiết nghĩa – nhiều chính nghĩa cảm. Văn học Miền Tây nêu
lên những nét đó và cố nhiên cũng chẳng giấu đi mặt trái của nó – những
thói tham lam, độc ác, nham hiểm, lừa lọc… Trong khi ca ngợi con đường