Một tối nào đấy, nhân lúc uống trà, đồng chí bỗng nói:
- Giờ tôi mới biết rằng anh không phải là con người mà tôi nghĩ.
- Vậy nguyên soái đã cho tôi là con người thế nào, – tôi hỏi.
- Tôi nghĩ rằng anh được Xta-lin chỉ định đặc biệt để giám sát tôi. Tôi
hoài nghi vì chính Xta-lin nói đến tên anh ngay khi đặt vấn đề tìm ai làm
tham mưu trưởng…
Thế là tới hôm ấy, vấn đề “Cha và con” (Văn hào Nga I. X. Tuốc-ghê-nhi-
ép viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Cha và con”, chủ đề là: giữa các thế hệ
cha với con, già với trẻ, thường không tránh được mâu thuẫn do những quan
điểm không thống nhất với nhau.) được giải quyết xong, đâu ra đấy. Thật
vậy, trước đây tôi vẫn kính trọng con người có công lao ấy, nhưng chỉ trong
quá trình cùng nhau làm việc ở miền Pri-ban-tích, tôi mới có thể đánh giá
được thật đầy đủ về đồng chí. Thành thật mà nói rằng tôi rất tiếc vì phải chia
tay với Ti-mô-sen-cô, khi được gọi trở về Bộ tổng tham mưu.
Tháng Tư, trước khi bắt đầu tiến công lại ở miền Pri-ban-tích, nguyên
soái lại tự mình đề nghị xin tôi trở lại nhận nhiệm vụ tham mưu trưởng cho
đồng chí. Nhưng tôi không được phép đi. Tôi giới thiệu với đồng chí: trung
tướng N. A. Lô-môp, cục phó Cục tác chiến của tôi. X. C. Ti-mô-sen-cô
nhận lời giới thiệu này. Lúc ở mặt trận về, gặp tôi, nguyên soái rất khen ngợi
Lô-môp, và hết sức tự nhiên, đồng chí nói thêm:
- Thì ra ở Bộ tổng tham mưu cũng có nhiều người tốt…
Cuộc tiến công tháng Tư ở miền Pri-ban-tích từ tuyến sông Nác-va và
những đường tiếp cận phía Đông tới Pơ-xốp Ô-xtơ-rốp, I-đri-txa, Pô-lôt-xcơ
và Vi-tép-xcơ, lại đạt được ít kết quả. Các phương diện quân không tiến lên
được bao nhiêu, và cũng không làm cho địch bị thất bại theo như tính toán
của ta. Các phương diện quân đang tác chiến ở đây phải tạm dừng tất cả lại
cho đến tháng Bảy 1944. Trong thời gian ấy, Bộ tổng tham mưu nghiên cứu
lại vấn đề tiêu diệt cánh quân Pri-ban-tích của địch và cả vấn đề cô lập toàn
bộ Cụm tập đoàn quân “bắc” ra khỏi miền Đông Phổ