chưa quyết định tiến công thẳng vào chính quốc Nhật, và cũng chưa có ý
định làm việc đó trong thời gian sắp tới.
Đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu, do tướng O. I-a-ma-đa chỉ huy, là đạo
quân tập trung nhất và mạnh nhất, hoàn toàn sẵn sàng hành động. Nhiều
tướng lĩnh và sĩ quan Nhật đã trải qua trường học quân sự thực tế tại đấy.
Chúng tôi đã lọc đi lọc lại vô số phương án, nhằm tìm khâu chủ yếu, nếu
thanh toán được khâu chủ yếu ấy thì toàn bộ hệ thống chiến tranh của Nhật
sẽ bị sụp đổ. Chúng tôi làm việc không có gì phải vội vàng lắm, vì có đủ
thời gian. Ni-cô-lai An-đrây-ê-vích Lô-mốp là cốt cán trong việc xây dựng
kế hoạch, tính tình điềm đạm của đồng chí rất thích hợp với việc phân tích
sâu tình huống ở Viễn Đông.
Hướng Mãn Châu, nơi đang bố trí Đạo quân Quan Đông của Nhật, là
hướng đã thu hút chúng tôi nhiều hơn cả. Nếu đánh tan đạo quân này thì sẽ
tiêu diệt được lực lượng xung kích chủ yếu của lục quân Nhật và phá đến tận
gốc sức kháng cự của cả nước Nhật. Bộ tổng tham mưu, rồi sau đó cả Đại
bản doanh, đã dần đi tới xác nhận ý định ấy và lấy nó làm cơ sở cho việc xây
dựng kế hoạch chiến tranh.
Đạo quân Quan Đông có gần một triệu người, được trang bị và huấn
luyện tốt. Được phục vụ trong đạo quân này là bằng chứng của lòng trung
thành đối với chế độ và nền tảng của chủ nghĩa đế quốc Nhật. Binh lính và sĩ
quan được giáo dục lòng tin mù quáng đối với Nhật hoàng và lòng căm thù
đối với các dân tộc khác, trước hết là đối với nhân dân xô-viết và nhân dân
Mông Cổ, Trung Quốc.
Trước lúc bắt đầu chiến tranh, Đạo quân Quan đông có phương diện quân
1 và phương diện quân 3, tập đoàn quân độc lập 4 và tập đoàn quân không
quân 2 cùng chi hạm đội sông Tùng Hoa. Khi bắt đầu chiến tranh, thành
phần của Đạo quân Quan Đông được bổ sung thêm phương diện quân 17 và
tập đoàn quân không quân 5.
Phương diện quân 1, hay là phương diện quân Đông Mãn Châu, gồm hai
tập đoàn quân 3 và 5, do tướng Ki-tơ chỉ huy, có 10 sư đoàn bộ binh và một