Yếu tố bất ngờ lúc bắt đầu chiến tranh ở Viễn Đông này, phụ thuộc trước
hết vào việc giữ bí mật về tình hình chuẩn bị của bộ đội xô-viết. Bởi vậy, đã
phải đề ra và tuân thủ hết sức chặt chẽ quy chế đặc biệt về việc điều động và
tổ chức lại bộ đội. Thời gian bắt đấu tác chiến, tất nhiên chưa hề tuyên bố
cho một ai biết.
Khả năng giành bất ngờ còn bao hàm cả việc tổ chức tập trung những
phương tiện vật chất theo cách không giống như mọi khi. Chúng tôi cho
rằng, quân địch dù có biết được một số tin tức về việc tiếp tế của các nước
Đồng minh, nhưng nhất thiết sẽ vẫn ước tính quá cao thời gian chuyển vận
của ta trên trục đường sắt duy nhất qua Xi-bi-ri. Dựa vào khả năng chuyển
vận tương đối bị hạn chế của ta qua Xi-bi-ri, bọn Nhật xác định là phải đến
mùa thu ta mới có thể bắt đầu chiến tranh, và chắc rằng đến lúc ấy chúng
mới chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Chúng tôi còn dựa vào chỗ quân địch đinh ninh rằng bộ đội xô viết sẽ
không bắt đầu tiến công khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Vì về thời
gian bắt đầu chiến tranh với Nhật, ta đã thỏa thuận với các nước Đồng minh
là “hai hay ba tháng sau khi kết thúc chiến tranh với Đức”, mà thời gian ấy
lại rơi đúng vào mùa mưa ở Viễn Đông là lúc rất không thuận tiện, theo
quan điểm lô-gích hình thức về chiến tranh.
Căn cứ vào các mặt của thứ lô-gích trên, bộ chỉ huy Nhật cho rằng thế nào
ta cũng bắt đầu tiến công chậm lại, sau lúc ấy một ít, khi đã sang hẳn mùa
khô. Sau này, những dự kiến của Bộ tổng tham mưu đã được xác nhận là
không sai. Bộ chỉ huy Nhật phán đoán là đến giữa tháng Chín, ta mới bắt
đầu tiến công được.
Địa hình, như đã nói một phần ở trên, cũng được sử dụng để đạt yếu tố
bất ngờ. Cũng tất nhiên thôi, quân địch không ngờ nổi những đòn đột kích
của ta nói chung, và nhất là mũi đột kích của xe tăng lại thọc xuyên qua
mạch núi, rừng rậm và sa mạc khó đi lại. Việc ấy liên quan trước hết tới địa
đoạn Mông Cổ, địa đoạn này lại bị mạch núi Đại Hưng An và những thảo
nguyên khô cằn tiếp với sa mạc Gô-bi ngăn khỏi Mãn Châu và Nội Mông.