yếu của phương diện quân Da-bai-can, tiến hành trinh sát thực địa thật kỹ
càng với các tư lệnh tập đoàn quân và đích thân đi kiểm tra các đơn vị bộ
đội. Trong quá trình làm việc ngoài thực địa, đã nảy ra nhiều dự kiến quyết
định trước cho những thắng lợi rực rỡ của các chiến dịch tiến công sau đó
của phương diện quân.
Tư lệnh phương diện quân đã bổ sung và hoàn chỉnh thêm kế hoạch tác
chiến vạch ra lúc ban đầu.
Đồng chí thấy có thể giao cho tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 nhiệm vụ
không phải đến ngày thứ mười của chiến dịch mới tiến công vượt Đại Hưng
An như Bộ tổng tham mưu đã dự kiến, mà có thể vượt ngay trước ngày thứ
năm của chiến dịch. Tốc độ tiến công như thế, trong điều kiện địa hình núi
non hiểm trở, thoạt nhìn có thể cho là không ổn, nhưng trong thực tế thì các
đơn vị không những có thể khắc phục được khó khăn, mà còn vượt mức nữa
là khác.
Thời hạn quy định trước đây cho hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành
tiến vào đồng bằng Mãn Châu cũng rút ngắn hẳn lại. Ví như, tập đoàn quân
36 tiến công bên sườn trái phương diện quân, theo kế hoạch lúc đầu là đến
ngày thứ mười hai của chiến dịch, phải chiếm lĩnh khu vực Hải Lạc Nhĩ; bây
giờ tư lệnh phương diện quân lại giao nhiệm vụ cho tập đoàn quân là đền
ngày thứ mười của chiến dịch đã phải hoàn thành nhiệm vụ trên, và tiến
công xa nữa theo hướng Trà Lan Đông, Tề-tề-cáp-nhĩ.
Tập đoàn quân 53 được lệnh phải bám sát sau xe tăng và như vậy có
nghĩa là thời gian mà bộ binh vượt Đại Hưng An sẽ rút ngắn rất nhiều.
Trước kia, theo quy định trong kế hoạch, bộ đội của tập đoàn quân 17 đến
ngày tiến công thứ mười lăm sẽ chiếm lấy Đại Ban Sơn, còn bây giờ theo đề
nghị của tư lệnh tập đoàn quân A. I. Đa-ni-lốp, thì chỉ đến ngày thứ mười.
Và, trong thực tế thì những chi đội phái đi trước của tập đoàn quân 17 đã
chiếm được mục tiêu quy định và đến ngày thứ năm của chiến dịch đã đánh
tan kỵ binh quân địch tại đây.
Tập đoàn kỵ binh – cơ giới Mông Cổ – Liên Xô, dưới sự chỉ huy của I. A.
Pli-ép, hoạt động bên sườn phải của phương diện quân, cũng đề nghị rút