Tham gia lễ duyệt binh tất cả có mười trung đoàn hỗn hợp của các
phương diện quân và một trung đoàn hỗn hợp của Hải quân với 360 ngọn cờ
chiến đấu đi đầu. Ngoài ra, các học viện quân sự, các trường quân sự và bộ
đội của các đơn vị đóng ở Mát-xcơ-va cũng được tham gia duyệt binh.
Theo dự kiến của chúng tôi, ngọn cờ Chiến thắng đã từng phấp phới trên
nóc nhà Quốc hội Đức ở Béc-lin sẽ đi đầu đoàn diễu binh, do chính những
chiến sĩ đã cắm lá cờ ấy trên thủ đô nước Đức Hít-le là M. V. Can-ta-ri-a, M.
A. Ê-gô-rốp, I. I-a. Xi-a-nốp, C. I-a. Xam-xô-nốp và X. A. Ne-u-tơ-rô-ép tự
mình cầm đi và hộ tống.
Ngày 24 tháng Năm, đúng vào ngày tổ chức bữa tiệc long trọng mừng
chiến thắng, chúng tôi trình kế hoạch ấy với Xta-lin. Đồng chí thông qua
những đề nghị của chúng tôi, duy có vấn đề thời hạn chuẩn bị là đồng chí
không đồng ý:
- Đúng một tháng nữa phải tiến hành lễ duyệt binh, ngày 24 tháng Sáu. -
Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị như vậy và nói tiếp đại khái như sau: – Chiến
tranh chưa chấm dứt mà Bộ tổng tham mưu đã chuyển sang lối làm việc thời
bình. Phải hoàn thành trong thời hạn đã định! Và còn việc này nữa: mang
theo cả những lá cờ của Hít-le trong cuộc diễu binh và đem ném một cách
nhục nhã xuống dưới chân những người chiến thắng. Các đồng chí suy nghĩ
xem, nên làm như thế nào… Và theo các đồng chí thì ai sẽ chỉ huy cuộc
duyệt binh và ai là người đứng ra duyệt binh?
Chúng tôi yên lặng vì biết chắc là đồng chí đã tự mình quyết định đâu vào
đấy cả rồi và chỉ hỏi chúng tôi lấy lệ mà thôi. Bấy giờ chúng tôi đã biết kỹ
mọi lề lối làm việc ở Đại bản doanh, nên rất ít khi lầm trong việc phán đoán
của mình. Lần này cũng thế, chúng tôi quả đã không lầm. Sau vài phút im
lặng, Tổng tư lệnh tối cao tuyên bố:
- Người duyệt binh là Giu-cốp, còn người chỉ huy duyệt binh là Rô-cô-
xốp-xki.
Cũng ngày hôm ấy, N. M. Svéc-ních (N. M. Svéc-ních bấy giờ là Phó chủ
tịch thứ nhất Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô và Chủ tịch Đoàn chủ
tịch Xô-viết tối cao Liên bang Nga. – ND.) trao Huân chương “Chiến thắng”