Chính Hít-le, như ta đã rõ, đã đặt nhiều hy vọng vào I-ran. Hắn định dùng
lãnh thổ I-ran để tiến công miền Da-cáp-ca-dơ xô-viết và sau đó dùng I-ran
làm bàn đạp, tung những sư đoàn Đức từ Ban-căng vào Ấn Độ. Ở đây, cũng
đụng chạm đến quyền lợi của ông bạn đồng minh với chúng ta là nước Anh,
và Anh cũng đưa quân đội vào miền Nam I-ran. Việc này làm cho Bộ tổng
tham mưu bận bịu thêm, vì phải phối hợp nhiều vần đề với Bộ dân ủy ngoại
giao.
Đồng chí Tổng tư lệnh tối cao lại rất chú ý tới tình hình ở I-ran, và tôi
được giao trách nhiệm thường xuyên báo cáo tình hình I-ran lên đồng chí B.
M. Sa-pô-sni-cốp. Đồng chí là người có sức cảm hóa và đối xử với những
đại tá trẻ tuổi như tôi hồi đó bằng một tình cảm cha con chân thực. Nếu
chúng tôi làm việc gì không phải, đồng chí không quở lắng, thậm chí không
nặng lời, mà chỉ hỏi giọng trách móc:
- Thế là thế nào, hở anh bạn?
Bị hỏi như thế, chúng tôi cứ muốn độn thổ cho xong. Ai cũng nhớ mãi
khuyết điểm của mình và không bao giờ tái phạm.
Có lần, đã quá nửa đêm rồi mà tôi còn được gọi đến gặp Sa-pô-sni-cốp.
Đồng chí ngồi ở bàn làm việc, mặc sơ-mi trắng, dây đeo quần vắt qua vai, áo
ngoài khoác trên ghế tựa.
- Mời anh bạn ngồi xuống đây. – Đồng chí mời rất thân mật như ở nhà.
Chúng tôi làm xong việc tương đối nhanh, nhưng Tổng tham mưu trưởng
chưa vội cho tôi về. Hôm ấy, đồng chí rất sảng khoái. Khi xem bản đồ, đồng
chí bỗng kể lại trước đây mình đã phục vụ ở Trung Á như thế nào. Sa-pô-
sni-cốp nhớ rất kỹ những đặc điểm của các hướng chiến dịch ở đây, nhớ địa
hình rất tài. Tôi cũng thuộc lầu chiến trường này. Giữa chúng tôi đã có một
buổi nói chuyện thú vị.
Sau này, chúng tôi còn có nhiều lần chuyện trò với nhau và qua đó tôi đã
rút ra được nhiều điều bổ ích cho công tác của ban và cho ngay chính bản
thân mình.