suốt ngày đêm, vẫn đều đặn tập hợp, phân tích các số liệu về tình hình, trình
bày với thủ trưởng trực tiếp những kết luận và đề nghị của mình, tiến hành
mọi việc dự tính, thông tin và các công việc khác. Chiến tranh đòi hỏi phải
cống hiến toàn bộ sức lực và không để ai một phút nghỉ ngơi.
Nhưng chúng tôi không chỉ bị cuốn hút vào những công việc trước mắt.
Tất cả các cán bộ Bộ tổng tham mưu đều không chỉ sống bằng âm hưởng
của cuộc phản công ở Mát-xcơ-va, mà còn bằng sự chờ mong những biến
đổi sắp tới. Có lẽ do tính chất của nhiệm vụ và do thiếu chi tiết kèm theo nó
cho nên chỉ có các cán bộ Bộ tổng tham mưu chúng tôi mới hiểu rằng “trên”
đang chuẩn bị mở một chiến dịch mới.
Những vấn đề hết sức quan trọng trong việc vạch kế hoạch chiến lược thì
được thảo luận sơ bộ ở Đại bản doanh, trong phạm vi hẹp gồm các đồng chí
I. V. Xta-lin, B. M. Sa-pô-sni-côp, Gh. C. Giu-cốp, A. M. Va-xi-lép-xki, N.
Gh. Cu-dơ-nét-xốp. Thường lúc đầu thì đề ra giải pháp có tính nguyên tắc
sau đó Ban chấp hành trung ương Đảng hoặc Hội đồng quốc phòng Nhà
nước xem xét.
Chỉ sau đây thì Bộ tổng tham mưu mới bắt đầu vạch kế hoạch chi tiết và
chuẩn bị chiến dịch hoặc hoạt động chiến lược. Đến giai đoạn này, có các tư
lệnh phương diện quân và các chuyên gia tham gia vào việc vạch kế hoạch
chiến lược, đó là chủ nhiệm hậu cần A. V. Khơ-ru-li-ôp, tư lệnh pháo binh
Hồng quân N. N. Vô-rô-nốp, tư lệnh không quân A. A. Nô-vi-cốp, tư lệnh
bộ đội thiết giáp I-a. N. Phê-đô-ren-cô và các đồng chí khác.
Đầu tháng Ba 1942, Đại bản doanh phân tích triển vọng triển khai các
hoạt động tác chiến thành chiến dịch mùa hè. Cần nói rằng ngay từ đầu năm,
I. V. Xta-lin đã ra lệnh chuẩn bị thảo bản chỉ thị đề ngày 10 tháng Giêng
1942 mà tất cả các tướng lĩnh lúc bấy giờ đều biết và đã tự mình đề ra những
điều khoản cơ bản của bản chỉ thị đó. Trong chỉ thị này, ý đồ của kẻ địch và
những nhiệm vụ của ta được đánh giá như sau:
“Sau khi Hồng quân đã làm tiêu hao nặng lực lượng quân đội phát-xít
Đức thì đã chuyển sang phản công và đuổi bọn xâm lược Đức về phía Tây”.