Tối ngày 17 tháng Năm 1942, A. M. Va-xi-lép-xki liên lạc với người bạn
đồng sự cũ của mình ở Bộ tổng tham mưu là tướng A. Ph. A-ni-xốp, tham
mưu trưởng tập đoàn quân 57. A-ni-xốp không hề giấu sự thật cay đắng và
nói cho A-lech-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích hiểu rằng tình hình ở mặt trận họ
đang nguy ngập.
Báo cáo của A-ni-xốp khiến cho A. M. Va-xi-lép-xki vô cùng lo lắng,
song đồng thời cũng cho phép đồng chí nhận định đúng cuộc tấn công địch
đang triển khai là khúc dạo đầu cho những hoạt động có quy mô hết sức to
lớn. Bộ chỉ huy Hít-le dự định trước hết thanh toán chỗ lồi Bác-ven-cô-vô
rồi sau đó hoàn toàn tiêu diệt các đơn vị bộ đội Liên Xô ở Khác-cốp.
A-lêch-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích sở dĩ vô cùng lo lắng cùng là vì còn có
những lý do thuần túy cá nhân nữa: đã tròn một tuần kể từ khi đồng chí đảm
nhận chức trách tổng tham mưu trưởng, như vậy là hoạt động của đồng chí
trên cương vị nhà nước cao quý đó bắt đầu đúng vào lúc tình hình chiến sự
cực kỳ bất lợi (do bệnh tình ngày càng nặng nên B. M. Sa-pô-sni-cốp buộc
phải chuyển sang một công tác yên tĩnh hơn: chủ nhiệm Học viện quân sự
cao cấp).
Các sĩ quan trong Bộ tổng tham mưu chuyên theo dõi khu vực mặt trận
Cận Đông và các khu vực mặt trận kề cận khác được điều sang giúp sức cho
các đồng chí làm việc với phương diện quân Tây – Nam và phương diện
quân Nam.
Chỉ có thể ngăn chặn quân Hít-le bằng các lực lượng hiện có của phương
diện quân Nam và phương diện quân Tây – Nam. Cần phải đình chỉ ngay
cuộc tấn công vào Khác-cốp để đẩy lùi nguy cơ từ phía Nam. A. M. Va-xi-
lép-xki đã lập tức kiến nghị với Tổng tư lệnh tối cao như vậy. I. V. Xta-lin
trao đổi ý kiến qua máy Bô-đô với Hội đồng quân sự khu vực mặt trận Tây –
Nam. Hội đồng quân sự vẫn nhìn nhận tình hình lạc quan như cũ và đoan
chắc rằng tình hình phía Nam chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên bình thường nhờ
cuộc phản công của ta và vẫn một mực đề nghị tấn công.
Song tình hình không được cải thiện thêm, mà ngược lại ngày càng trở
nên xâu đi. Ngày 18 tháng Năm, tình hình trở nên cực kỳ gay go: xuất hiện