văn kiếm tiền, bắt đầu viết những bài phê bình phim ảnh, phê bình kịch cho
tờ The Times bằng tiếng Anh. Thời sinh viên, Trương Ái Linh không chỉ
thích đọc tiểu thuyết, mà cô còn say mê xem phim. Bấy giờ, thị trường
phim ảnh ở Thượng Hải lại phát triển nhất ở phương Đông. Những bộ phim
ngoại quốc hay phim trong nước, Trương Ái Linh đều xem không bỏ sót bộ
nào, những diễn viên nổi tiếng của thời đại ấy cô cũng đều quen mặt cả.
Không chỉ vậy, Trương Ái Linh còn chịu sự ảnh hưởng của cha, rất say
mê hý kịch truyền thống. Kinh kịch, Việt kịch, Bình kịch, không loại nào cô
không ham thích. Có sự tích lũy từ những bộ phim và các vở hý kịch này,
Trương Ái Linh hạ bút ung dung tự nhiên. Trong một thời gian ngắn, rất
nhiều bài phê bình kịch, phê bình phim của cô đã được đăng, ví dụ như Mẹ
chồng nàng dâu, Chiến tranh nha phiến, Thu ca, Mây đen lấp trăng, Muôn
tía ngàn hồng, Én đón xuân, Mượn đèn thủy ngân…
Sáng tác bằng tiếng Anh, bắt đầu phê bình phim kịch, Trương Ái Linh
chính thức đi trên con đường văn chương từ đây. Khi mới bắt đầu bước đi
trên con đường này, cô đã thành công vang dội. Văn đàn lúc ấy tịch mịch vô
cùng, Thượng Hải thất thủ mấy năm, những tác giả lớn có chút thành tựu
như Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Trương Hàn Thủy… đều đã mai danh ẩn
tích. Nhiều năm sau, nữ tác giải Lý Bích Hoa từng nói một câu thế này:
“Văn đàn vắng vẻ đến mức đáng sợ, chỉ xuất hiện một cô gái như thế”.
Về sau, Kha Linh tiên sinh[1] nói: “Tôi giơ đầu ngón tay đếm đi đếm
lại, văn đàn lớn như thế, mà giai đoạn nào cũng không thể sắp xếp nổi một
vị trí cho Trương Ái Linh; Thượng Hải thất thủ, mới tạo cơ hội cho cô ấy.
Quân xâm lược Nhật Bản và chính quyền Uông Tinh Vệ đã cắt ngang
truyền thống văn học mới, chỉ cần không phản đối lại họ, có chút nghệ thuật
văn chương tô điểm thái bình, thì cầu còn chẳng được, cho đám nhà văn
những gì, đương nhiên là nhà cầm quyền không hề tính toán. Trời cao
hoàng đế xa, đó là vũ đài cho Trương Ái Linh thể hiện tài năng của bản
thân…”.