vệt máu muỗi trên tường, sắc trắng vẫn mãi là ‘đầu giường ánh trăng sáng’;
lấy được đóa hồng bạch, màu trắng sẽ thành hạt cơm dính trên quần áo,
màu đỏ lại là vệt dấu yêu thương thắm đỏ trong tim”. (Trần Trúc Ly dịch)
Bấy giờ, Trương Ái Linh đã sớm thoát ly khỏi cái vầng hào quang tuyệt
đẹp sau gia tộc đó, cô trở thành một thị dân tự kiếm cơm ăn, hưởng thụ sự
ấm áp và nhàn nhã mà mình tự mang lại. Cô để văn chương đi tới nơi sâu
nhất của hồng trần, còn trong cuộc sống thực lại bắt đầu giữ khoảng cách
với mọi người. Cho nên, dù văn chương của Trương Ái Linh khiến người ta
nếm trải được mùi vị khói lửa, nhưng cô lại đem đến cho độc giả một cảm
giác mỹ nhân thần bí như hoa cách một làn mây. Không ai có thể trực tiếp
nhìn thẳng vào nội tâm của cô, bạn ngỡ rằng đi dạo trong lòng người, nhất
định sẽ có một người là cô, nhưng thực ra người ấy lại xa xôi tới mức
không thể nào với kịp.
Trương Ái Linh dùng phong thái cao ngạo cô độc cách biệt thế gian để
đứng riêng một mình trên đỉnh cao của văn đàn Thượng Hải. Trong dòng
Ngân Hà tịch liêu, cô là một vầng trăng, kiêu hãnh và cô độc tỏa sáng giữa
vạn vì sao. Trên văn đàn đương thời, còn có mấy nữ tác gia cũng là những
vì sao sáng chói, đó chính là Tô Thanh, Phan Liễu Đại và Quan Lộ. Họ
được phong làm “Văn đàn tứ đại tài nữ”, phổ biến khắp Bến Thượng Hải.
Trong mấy tài nữ này, Trương Ái Linh thích nhất Tô Thanh. Cô từng nói,
trong các nữ tác gia cổ đại thích nhất Lý Thanh Chiếu, cận đại thích nhất Tô
Thanh. Bởi Tô Thanh có thể nắm bắt một cách vững vàng những điểm thú
vị của cuộc sống, đặc điểm của Tô Thanh là “đơn thuần trong vĩ đại”, có thể
viết những chuyện phổ thông nhất thành những câu chuyện rung động lòng
người. Và Tô Thanh cũng rất thích Trương Ái Linh, cô ấy nói: “Tôi đọc tác
phẩm của Trương Ái Linh, thấy có một sức hút lạ lùng, không đọc ngấu
nghiến không được. Đọc tiếp giống như nghe một khúc nhạc thê lương u
uẩn, cho dù chỉ là trích đoạn nhưng cũng đủ rung động cõi lòng…”.