tôi nhưng vì không bao giờ có dịp gặp riêng nên tình cảm đó không thấy
tiến xa thêm chút nào. Giả sử có tiến thêm đi nữa, thì qua lần gặp gỡ bí mật
giữa hai người, tôi đã biết lòng cảm mến của cô ta cũng có đặt một số điều
kiện khó vượt qua.
Vì cớ gì tôi lại không bỏ trốn? Không phải sự đi trốn được xem như một
trạng thái trong tâm hồn theo kiểu Kikuko đề nghị nhưng là một cuộc tẩu
thoát như một hành động thực sự. Thực ra tôi chưa hề vứt bỏ ý chí đấu
tranh và tôi vẫn còn nuôi một niềm hy vọng nào đó. Tôi vẫn ngấm ngầm
chờ đợi một cơ hội.
Hôm đó, dịp may đã đến với tôi. Trên con đường từ sở về, tôi thấy có
một rạp xiếc được dựng lên ở góc đường. Tôi vẫn biết hai nhãi ranh được
gửi theo canh chừng tôi ngứa ngáy muốn vào xem lắm rồi. Tôi bèn khôn
khéo xúi giục chúng, bảo cứ vào xem, tôi sẽ đợi bên ngoài. Thế là đẩy được
hai đứa bé vào bên trong. Một xuất kéo dài tiếng rưỡi, trong khoảng giờ
trống đó, tôi vội chạy đến cái văn phòng luật sư mình đã ngắm sẵn. Đó là
một gia đình đông đúc đến sợ luôn. Không biết bao nhiêu là người lớn trẻ
con, chạy ra chạy vào như đèn cù, lúc biến lúc hiện. Cuối cùng mới thấy
một người đàn ông thấp bé, ốm yếu và mệt mỏi nhất bước ra. Đó là ông chủ
nhà. Khi tôi mách ông ta rằng có mạng nhện vướng trên đầu thì ông ta tỏ vẻ
hết sức bối rối và đưa tay lên gãi một cách máy móc. Cảnh đó khiến cho
một người như tôi mà còn phải thấy có cái gì không tin tưởng được.
Khi tôi bắt đầu trình bày lý do đến gặp ông và luật sư có vẻ thoáng hiểu
được nội dung thì ông bất thần đưa ngón tay lên môi ra hiệu:
- Suỵt, nói khẽ thôi!
Trong khi tôi tiếp tục phát biểu thì thấy ông cứ dáo dác nhìn chung
quanh như có gì lo lắng. Đến khi tôi nói xong thì mặt ông đã xanh như
chàm đổ.