Cuộc tranh luận kéo dài do giá trị của các tài sản bên trong RJR
Nabisco sẽ quyết định vụ mua lại có thành công hay không. Các ý kiến
không quá khác biệt. Mọi người đều biết Ross Johnson đang có lợi thế. Câu
hỏi là tốt nhất họ nên bắt đầu như thế nào. Cliff Robbins trình bày các lựa
chọn trong một bản ghi nhớ cho dự án của nhóm ngày hôm đó mang tên Dự
án Peach.
Có ba lựa chọn. Lựa chọn đầu tiên là gửi một lá thư cho hội đồng quản
trị, gọi là “ôm kiểu gấu”. Trong đó, Kravis sẽ bày tỏ sự quan tâm dành cho
công ty, và trả giá cao hơn mức giá họ đưa ra là 75 đô-la, nhưng dừng lại ở
đó và không công khai bỏ thầu. Ở cột ưu điểm, Robbins lưu ý “ôm kiểu gấu”
có thể sẽ giúp họ truy cập vào thông tin tài chính của RJR Nabisco, một điều
bắt buộc nếu họ tham gia đấu thầu mà không có sự trợ giúp của nhóm quản
lý. Điều này cũng sẽ trì hoãn sự chèo lái của nhóm quản lý theo hướng
nhanh chóng hoàn thành thỏa thuận. Trong cột “nhược điểm”, Robbins lo
lắng bức thư mang tính đe dọa có thể sẽ chỉ dẫn đến một cuộc đấu giá kéo
dài. Bản ghi nhớ lưu ý rằng quá trình đấu thầu “sẽ phải giới hạn thời gian”.
Anh kết luận: Họ có thể thắng, nhưng việc đấu thầu kéo dài sẽ tiêu tốn hàng
triệu đô-la.
Lựa chọn thứ hai là mở một cuộc họp với Shearson và Johnson, nhằm
thảo luận về một cuộc đấu thầu chung. “Thể hiện sự yếu kém ư?” là câu hỏi
xuất hiện trong bản ghi nhớ. Lựa chọn thứ ba là một đề nghị đấu thầu theo
phương pháp tấn công chớp nhoáng mà Wasserstein đã tư vấn. Ưu điểm: có
được lợi thế về thời gian… trì hoãn giao dịch của nhóm quản lý. Nhược
điểm: không có thông tin… mua lại thù địch… những trở ngại về nguồn cấp
vốn.
Khi đến lượt các cố vấn lên tiếng, Eric Gleacher phát biểu trước. Bài
phát biểu của ông mang đậm giọng điệu quân đội, kiểu nói khi một người
phát biểu trong một chương trình huấn luyện, hoặc trong giờ nghỉ giữa giờ
của một trận bóng đá quan trọng. Gleacher là người say mê thể thao, và ông
tự hào về điều đó. Ông có tính cách mạnh mẽ, ra dáng bậc nam nhi đại
trượng phu trong hình hài một người đàn ông bé nhỏ.