giữ chữ tín với các cố vấn của mình. Anh liếc nhìn hai người với ánh mắt
lạnh lùng: Những gã này muốn tăng tiền công sao.
“Tại sao các anh lại nói chuyện đó vào lúc này?” Kravis nói. “Trước
kia, chúng ta chưa từng phải băn khoăn về nó.”
Hai nhân viên ngân hàng nhấn mạnh rằng cả Morgan Stanley và
Wasserstein Perella sẽ phải nhận được một khoản phí 50 triệu đô-la mỗi bên.
Đó là một con số rất lớn. Các khoản phí lớn nhất được đàm phán cho đến
thời điểm đó là khoảng 50-60 triệu đô-la, và đó là cho những thỏa thuận đòi
hỏi các khoản vay bắc cầu lớn cùng những cam kết cấp vốn hàng tỷ đô-la.
Wasserstein và Gleacher muốn số tiền tương tự chỉ cho những lời tư vấn của
họ.
Điều này thật nực cười, Kravis nghĩ. Khi anh chuẩn bị phát động trận
chiến tiếp quản lớn nhất trong đời cũng như trong lịch sử Phố Wall, các cố
vấn của anh lại lo lắng về khoản tiền hoa hồng hơn là chiến thuật của họ.
“Chưa đến lúc đâu,” Kravis nói với hai người. “Chúng ta thậm chí sẽ
không bàn về nó. Đây là lần cuối cùng chúng ta nói về nó.”
“Được thôi,” sau một giây, Gleacher nói. “Nhưng điều này rất quan
trọng với chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể tin tưởng anh thôi.”
Sau đó, Kravis đã lái xe về căn hộ của mình ở đại lộ Park. Anh rất hài
lòng với những gì diễn ra đêm nay. Một đề nghị đấu thầu dường như là cách
làm đúng đắn nhất. Anh gần như chắc chắn sẽ làm như vậy. Tất nhiên, cách
làm đó sẽ không tránh khỏi hoài nghi. Làm thế nào để các nhà đầu tư trong
quỹ của họ hiểu được vấn đề? Báo chí sẽ đăng tin ra sao? Quan trọng hơn cả
là hội đồng quản trị RJR sẽ xem xét đề nghị của họ thế nào? Các giám đốc
phải tin đó không phải là một đề nghị đấu thầu thù địch.
Kravis muốn trì hoãn một chút. Sáng mai, anh sẽ nói chuyện với
Beattie và Roberts, có thể với cả Peter Cohen nữa.
Sau đó, anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
-