xui rủi nào đó, hành tung của anh sẽ bị mẹ ngờ vực và khám phá.
Tài Khôn đón nhận chiếc nón trên đầu và đôi găng trên tay Thường bằng
cặp mắt tròn xoe kèm với một tiếng kêu khủng khiếp:
- Anh làm cái trò gì vậy ?
Phản ứng thẳng thừng của Tài Khôn khiến Thường đứng chết trân. Mãi một
lúc, anh mới cười gượng gạo:
- Trò gì đâu! Chỉ là để che nắng thôi . Mẹ anh sợ anh ốm.
Tài Khôn lại kêu trời:
- Xời ơi! Con trai gì mà...
Đang nói, Tài Khôn ngừng bặt. Có lẽ cô không tìm ra sự so sánh thích hợp.
Cô khẽ nheo mắt nhìn Thường:
- Bộ anh hết thích có nước da đẹp rồi hả ?
Thường buồn bã:
- Ừ. Hết thích rồi .
Sự thú nhận xụi lơ của Thường khiến Tài Khôn hết ham "xỉa xói". Cô thở
dài:
- Thích hay không là chuyện của anh. Nếu sợ chết thì anh cứ việc đội nón.
Nhưng ai đời con trai lại mang bao tay! Cái đó là của con gái!
Thường chống chế:
- Nhưng đây là bao tay ... bảo hộ lao động mà!
Thường nói vừa dứt câu, Tài Khôn đã ôm bụng cười:
- Trời đất, bán kẹo kéo mà cũng mang găng bảo hộ lao động! Thật em chưa
nghe ai nói chuyện này bao giờ! Hơn nữa, đôi găng của anh đâu phải là
găng bảo hộ . Đôi găng dài tới khuỷu thế kia chỉ có thể là găng đi đường
của các cô tiểu thư thôi!
Những nhận xét đầy vẻ chế giễu của Tài Khôn khiến Thường xấu hổ muốn
chui ngay xuống đất. Nhưng vì không thể chui được, Thường đâm cáu .
Anh liền nghiêm mặt:
- Thôi, em nhạo báng anh như vậy là đủ rồi! Đây là chuyện riêng của anh,
em không nên châm chọc nữa!
Thấy Thường lộ sắc giận, Tài Khôn đâm hoảng.
Ngay lập tức, vẻ cười cợt trên mặt cô biến mất. Thay vào đó là những lời