hồng vàng bọc trong một cái nơ nhầu nát màu xanh. Rồi khẽ khép cánh cửa
cọt kẹt, ông ta thong thả đi ra. Từ cái nơ bay lên mùi hôi của loài chuột.
Lúc đó vào cuối thu. Màn đêm rung động vì gió và vì những đốm lửa
nhấp nháy. Ông thợ bạc nhớ đến nét đổi thay trên mặt Samet sau khi anh
chết. Bộ mặt anh trở nên nghiêm nghị và trầm tĩnh. Ông ta thấy niềm cay
đắng hiện trên mặt anh còn tuyệt đẹp nữa là khác.
"Cuộc sống không cho người ta cái gì thì cái chết cho người ta cái ấy",
ông thợ bạc vốn quen với những ý nghĩ rẻ tiền nghĩ như vậy và thở dài não
nuột.
Ít lâu sau ông ta đem bông hồng vàng nọ bán cho một nhà văn già ăn
vận lôi thôi lốc thốc, và theo ông thợ bạc nhận xét, thì nhà văn này cũng
chẳng giàu có gì cho lắm để có thể bỏ tiền ra mua một vật đắt đến như thế.
Hẳn câu chuyện về bông hồng vàng do ông thợ bạc kể lại cho nhà văn
đã đóng vai trò quyết định trong việc mua bán nọ.
Chúng ta phải mang ơn nhà văn già, nhờ những ghi chép của ông mà sau
này mới có người biết được câu chuyện cay đắng trong đời người cựu binh
trung đoàn thuộc địa thứ Hai Mươi Bảy là Jean Samet.
Trong những ghi chép của ông, nhà văn viết:
"Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt
gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc bông đùa, mỗi rung động thầm lặng của con
tim, thậm chí một bông tiêu huyền xốp đang bay lượn, hay lửa sao trong
một vũng nước đêm - tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi
vàng.
Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm,
hàng triệu những hạt cát đó, thu góp chúng lại cho mình, một cách thầm
lặng mà chính mình cũng không nhận thấy, biến chúng thành một hợp kim