- Chết oan hay không, chưa cần biết làm gì vội, nhưng chắc chắn chết
như thế là chết tức tưởi, chết không nhắm mắt được. Người ta bảo rằng
những người chết như vậy rất linh thiêng và sau này thể nào cũng báo oán
kẻ đã hại mình...
Về cái chết của Mệ Hoát mỗi người nói một cách, thành ra không ai biết
Mệ đã thật sự chết như thế nào, nhưng sau khi hỏa hoạn ở Chợ Quán này
xảy ra được ít lâu thì hầu hết những người ở làng Thợ Đúc và những người
ở con đường ngang nhà thờ Chợ Quán bây giờ (tức bên hông chùa "Nhơn
Sơn Tự" và "Chùa Gia Điền" lúc đó) đều nhận thấy một sự việc giống in
nhau, không ai chối cãi được.
Hàng đêm, nhất là hôm tối trời, và vào cái khoảng nửa đêm về sáng,
khắp từ Tân Kiềng, Nhơn Giang, Bình Yên đến vùng Cây Mai, chùa Gò,
người ta thường nghe thấy có tiếng khóc não nùng vẳng ra. Tiếng khóc đó,
nhiều hôm gặp gió ngược hun hút đưa vào tới "Mả Biền Trụ" ở trên cánh
đồng ruộng khỏi "Chợ Cây Da Thằng Mọi".
"Mả Biền Trụ" còn gọi là "Mả Ngụy" hay "Đồng Tập Trận" nguyên là
“mả Ngụy Khôi". Khôi là người Nùng, bị Tả Quân Lê Văn Duyệt bắt được,
nhưng thương tài không giết, nuôi làm dưỡng tử và lấy họ Lê. Đến khi Tả
Quân mất đi, Khôi vì không chịu nổi được cử chỉ đê hèn, dê chó của bọn
gia nô tham nhũng, nổi lên giết quan triều đình, chống lại chánh phủ trong
ba năm trường. Sau, Khôi bị chết, triều đình mới hạ được thành Sài Gòn.
Vua Minh Mạng, chưa đã giận, sau phá thành, san làm bình địa và giết gần
hai ngàn dân lành, không phân biệt lớn nhỏ, trẻ già, chôn chung vào một
huyệt.
Những người ở gần Mả Ngụy cho rằng tiếng khóc than vãn văng vẳng
trong đêm khuya thanh vắng là tiếng khóc của ngót hai ngàn dân vô tội bị
nhà vua ghép vào tội phản nghịch "theo giặc Khôi ở lại trong thành". Và
sau này gặp đêm xuôi gió, tiếng khóc than đó lại bay về hướng "Chợ Bột",
Chợ Hôm, chợ Mai, thì người ta ngờ là không đúng. Do đó mấy người bạo
dạn quyết tâm liều mạng đi xem xét coi tiếng khóc đích thực vẳng ra từ nơi