Anh em xúm lại khuyên can giải thích đó chỉ là chuyện cà giỡn cho vui,
nhưng Lăng nhất định không quan niệm anh em bè bạn với nhau lại có thể
cà giỡn một cách độc ác và vô duyên như thế. “Đó là mạ lỵ nhau, đó là vu
cáo!”. Chưa hả giận Lăng còn đập bàn ghế om sòm và muốn xông lại đánh
người bạn vừa nói giỡn một câu vô ý thức. Những lúc đó, Lăng không còn
là một người hiền lành, ngớ ngẩn như người ta vẫn tưởng, nhưng quả là một
con thú dữ muốn nhảy vào con mồi để nuốt sống ăn tươi.
Sau đó, một số người cho là tại rượu. Một vài người khác lại cho là ở
đời vẫn có một loại người như thế: bất cứ việc gì cũng cho là quan trọng và
không thể để cho ai đùa giỡn mình về bất cứ phương diện gì.
Nhưng ý kiến của hạng sau chót này được coi như là có nhiều hy vọng
đúng hơn hết: Lăng là người Miên lai các chú, nghĩa là người có 2 dòng
máu; những người này tinh khôn, lèo lái và khéo chiếm được lòng người ta
mỗi khi thấy có lợi tinh thần hay vật chất cho mình, nhưng cái máu du mục
và hiếu chiến của ông cha họ sống không kiềm chế trên núi cao, trong rừng
rậm, thỉnh thoảng lại bừng lên trong huyết quản họ và do đó phựt lên những
hành động mà chính họ không thể nào kiểm soát.
Nhưng muốn phê bình Trần Hữu Lăng cách nào đi nữa thì hầu hết anh
em ở trong bọn chúng tôi đều phải công nhận rằng Lăng là “một người chơi
được" vì anh thẳng tính. Mà phần đông những người thẳng tính là những
người không phản bội. Đáng sợ là những người không có cá tính rõ ràng,
lúc nào cũng tìm cách làm vui lòng tất cả mọi người để rồi đến khi xét ra
cần phải lấy lợi cho mình thì giở mặt phản bội và nếu cần có thể giết người
không thương tiếc.
Câu chuyện con gái ông chủ vựa cá ở chợ Cầu Ông Lãnh qua đi. Sự
giao du giữa Lăng và chúng tôi, vì thế, vẫn nguyên vẹn không có gì thay
đổi. Thường thường ngày nào chúng tôi cũng khề khà uống rượu và trò
chuyện với nhau, khi ở nhà người này, khi ở nhà người nọ.
So với anh em khác, Lăng cũng có đồng ra đồng vào, nhưng kể vào lớp
tuổi chúng tôi, Lăng tương đối là một người vất vả.