Một tấm bảng mầu vàng do sự cụ ban cho, mộc mạc đôi dòng :
“O Ráng bán cháo, cả ngày rằm tháng Giêng”
Ngay trước cửa chùa. Hơn 20 cái bàn nhỏ để dọc theo lề đường…, bàn nào
cũng đã đủ người. Thực khách ăn cháo của mẹ rất vui vẻ, lịch sự, lại hào
phóng nữa.
Út Thường ôm theo một chồng 200 cái tô nhựa ra tận cuối dẫy bàn, chỗ
của anh ở đó. Những người sa cơ lỡ bước, ăn xin ăn mày đã tụ về ngồi chật
cả một quãng đường. Dường như họ biết chắc là hàng năm, cứ vào rằm
tháng Giêng và rằm tháng 7, O Ráng sẽ bán cháo ở đây, và họ sẽ được ăn
miễn phí, họ còn được tặng luôn cái tô nhựa để xin ăn hàng ngày.
Những kỷ niệm thật đẹp, ấm tình mẹ, đượm tình quê đã tụ về trong giấc
ngủ đầy mộng mỵ. Anh vẫn luôn lo lắng, quan tâm đến những người lao
động lam lũ mà chân thật. Dù ở đâu, anh cũng vẫn là con của một người mẹ
Việt Nam; nghèo mà đoan trang. Anh vẫn là con của mảnh đất miền trung
đầynắng gió mà đằm thắm tình người.
Nửa đêm lại bừng tỉnh, anh vẫn còn đau như muốn súc cánh tay trái, anh
thầm cám ơn sự sắc ngọt của thanh bảo kiếm, nếu là kiếm thường, không
đứt hẳn mà lại nhầy nhụa thì khốn khổ. Bỗng Út Thường nghe người ta thì
thầm rằng ngày mai lại phải tiếp tục biểu tình, cũng là phụ họa với những
người Bắc, họ sắp bị đuổi về Việt nam.